Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, ông đã từng được chứng kiến rất nhiều gia đình vì nhà trai nghèo hơn nhà gái mà nhà gái lại thách cưới dẫn đến cuộc hôn nhân không thành.
“Cũng mới đây thôi, tôi được chứng kiến gia đình nhà gái thách cưới nhà trai, nhưng vì lòng tự trọng nên đám cưới đã không thể diễn ra”, PGS.TS Lâm Bá Nam cho biết.
Nói về tục thách cưới ngày xưa và ngày nay khác nhau ra sao, PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng: “Ngày xưa các cụ quan niệm “con gái là con người ta”, vì thế hôn nhân truyền thống có yếu tố mua - bán, gả con tức là bán con. Bởi, bố mẹ cô gái nghĩ mình đã mất công nuôi dạy "con người ta" nên phải trả công”.
Còn ngày nay, theo PGS.TS Lâm Bá Nam ở vùng nông thôn vẫn thách cưới nhưng không còn phổ biến theo nguyên tắc ngày xưa (tức phải có đủ lễ vật cần thiết và số tiền nhất định- PV) mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên gia đình.
“Tôi cho rằng thách cưới liên quan đến nhận thức xã hội, cộng đồng mà trước hết là từ họ hàng, đừng bao giờ coi lễ vật như một thước đo. Nếu coi lễ vật như một thước đo thì nó không mang đầy đủ ý nghĩa của một đám cưới.
Gia đình với cộng đồng xã hội hãy tôn trọng quyền có gia đình, xây dựng gia đình của lớp trẻ. Hai gia đình phải coi đó là niềm vui chung chứ đừng gượng ép, phân biệt con nhà mình, con nhà người. Vì thế, cha mẹ đừng bao giờ đặt nặng của hồi môn, cũng đừng bao giờ đặt ra chuyện thách cưới.
Hãy nhìn nhận thách cưới như là chuyện của một thời xưa cũ đã qua. Trong các cuộc hôn nhân, hãy cho đôi bạn trẻ đóng vai trò trung tâm, có quyền quyết định hạnh phúc của mình”, PGS.TS Lâm Bá Nam nhấn mạnh.