PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: 'Ném đá' tập thể là hành vi độc ác

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: 'Ném đá' tập thể là hành vi độc ác

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 5, 30/03/2017 05:40

"Ném đá" trên mạng - vấn đề không phải mới xuất hiện nhưng đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển và việc tiếp cận với Internet không còn là điều quá khó khăn.

Từng bị cộng đồng mạng chỉ trích khi lên tiếng bênh vực Hoa hậu Việt Nam 2014, Nguyễn Cao Kỳ Duyên lúc cô mới nhận vương miện, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên đại học Ngoại thương) đã có lúc cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với một đám đông “ném đá”.

Mới đây, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, cũng trong buổi trò chuyện, vị khách mời này đã có những chia sẻ khá thú vị về hiện tượng "ném đá tập thể".

Mạng ảo - Đời thực - PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: 'Ném đá' tập thể là hành vi độc ác

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh từng là "nạn nhân" của đám đông "ném đá" trên mạng. 

PV: Bà đánh giá thế nào về hiện tượng “ném đá tập thể” trên mạng xã hội của giới trẻ hiện nay?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Theo nhận định của các nhà xã hội học, hiện tượng này là không thể tránh được. Nó xảy ra rất phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là kể từ khi xuất hiện Internet. “Ném đá tập thể” không chỉ có ở Việt Nam mà cũng tồn tại ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc... Như ở Trung Quốc, có rất nhiều câu chuyện về những người trẻ phải tự tử, vì bị mạt sát trên mạng xã hội. Hay ở Hàn Quốc, những người nổi tiếng không may sa vào scandal, bị dư luận dồn ép dẫn tới khủng hoảng, tâm thần... 

Thông qua những ví dụ trên, chúng ta thấy phải chấp nhận một sự thật là thế giới có rất nhiều người xấu và mạng xã hội cho phép nhiều người sỉ nhục người khác tương đối an toàn.

PV: Có những người im lặng khi đám đông đang “ném đá” một nạn nhân. Theo bà, những người không dám lên tiếng có phải là họ đồng tình phần nào với đám đông kia?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Tôi không cho rằng hoàn toàn như vậy. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy có hai trường hợp im lặng. Trường hợp thứ nhất là vì họ thường nghĩ: “Đứa nào dại cứ chết, chuyện chẳng phải của mình, mình dây vào làm gì?”.

Còn trường hợp thứ hai là những người dù im lặng nhưng trong lòng vẫn ủng hộ, nhiều khi còn thể hiện sự ủng hộ thông qua trao đổi, nhắn tin, gọi điện trực tiếp với nạn nhân. Họ không muốn ra mặt, do muốn tránh đối đầu với đám đông. Như vậy, im lặng có nhiều kiểu khác nhau, không phải ai im lặng cũng là đồng tình với đám đông đang “ném đá” nạn nhân.

PV: Đã từng là nạn nhân khi bị cộng đồng mạng “ném đá” vì bênh vực Hoa hậu Việt Nam 2014, Nguyễn Cao Kỳ Duyên lúc vừa lên ngôi hoa hậu, cảm giác của bà thế nào?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Tất nhiên là rất khó chịu và nó càng kinh khủng hơn khi xảy ra với một đám đông cuồng nộ, mà mình không hiểu vì sao. Tôi từng rất đau lòng, vì có rất nhiều người, mình không gây ra tội vạ gì với họ, thậm chí có ơn với họ, nhưng họ vẫn quay ra “ném đá” và hại mình.

PV: Vậy bà thấy hậu quả mà những nạn nhân bị “ném đá” trên mạng xã hội là như thế nào?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Phải nói là những nạn nhân của hiện tượng “ném đá tập thể” trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Có những người bế tắc tới mức tự tử, vì cảm thấy không còn lối thoát.

Tuy nhiên, đó chỉ là những gì chúng ta nhìn thấy, khi cái chết của họ đã xuất hiện trên mục tin tức. Còn rất nhiều nạn nhân khác sinh ra trầm cảm, đau ốm và không ít người từng cố gắng tự tử không thành.

Không phải ai cũng nhìn thấy sự thật đó. Tự tử là một hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng “ném đá tập thể” trên mạng xã hội, nhưng nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta không hề biết các nạn nhân đang phải trải qua những gì, nhưng đó chắc chắn là những tác động vô cùng tiêu cực.

PV: Một số chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội từng nhận định rằng đám đông muốn “ném đá” một nạn nhân vì họ cảm thấy mình đang đứng về phía chân lý. Bà có đồng ý với quan điểm đó không?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Theo tôi, đó chỉ là lý do ngụy biện vì đa phần các trường hợp tôi biết khi “ném đá” người khác, đám đông không nghĩ tới chân lý. Thực tế, họ làm vậy vì mạng xã hội đang kích hoạt những phần xấu xí trong con người họ.

Mặt khác còn có tâm lý không muốn người khác tốt hơn mình, không muốn người khác được ca ngợi nhiều hơn mình nên họ sẽ tìm mọi cách để “dìm” người ta xuống.

PV: Theo bà, có giải pháp nào để triệt tận gốc hiện tượng “ném đá tập thể” hay không?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: “Ném đá” trên mạng là hành vi độc ác. Trong cộng đồng còn rất nhiều người tốt, chúng ta phải tích cực chống lại những kẻ ác tâm đó.

Ví dụ trên Facebook, ta có thể bấm nút “báo cáo” (report) tài khoản của những kẻ chuyên đi “ném đá”. Nếu nhiều người làm vậy, ban Quản trị Facebook sẽ khóa tài khoản của họ và họ sẽ không thể tiếp tục làm nhục người khác.

PV: Biện pháp này là khả thi không khi những người “ném đá” rất đông, rất nguy hiểm, ta không thể “báo cáo” với Facebook từng người một?

PSG.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Vậy tại sao chúng ta không nghĩ là những người tốt cũng rất đông? Chúng ta hãy kêu gọi những người tốt đó, đánh động để họ thấy rằng họ không thể im lặng, tránh né. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể an ủi trực tiếp nạn nhân bằng cách nhắn tin, gọi điện, hay rủ họ tham gia những hoạt động ngoài đời thực để họ khỏi đắm chìm vào mạng xã hội. Như tôi thấy, sự an ủi của một người ngoài đời thực sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với sự tấn công, sỉ nhục của một đám đông ảo trên mạng.

PV: Cảm ơn bà rất nhiều về cuộc trò chuyện này!

Danh Tuyên (Thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.