Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người từng khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vai trò của người cán bộ phải được đặt ở vị trí tiên phong.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng (học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thẳng thắn nêu quan điểm: “Việt Nam muốn đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 thì công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là then chốt của nhiệm vụ then chốt”.
Những dấu ấn mạnh mẽ
PV: Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Từ sau Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, công tác xây dựng Đảng được triển khai toàn diện ở cả 4 vấn đề: Xây dựng Đảng về chính trị; Xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận; Xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ, chú trọng kiện toàn tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở một cách toàn diện; Xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội XII của Đảng đặt xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên bức thiết khi có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã bàn chuyên đề về xây dựng Đảng, vấn đề bức thiết xây dựng chỉnh đốn Đảng với tinh thần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ. Đồng thời, Trung ương cũng chỉ ra 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Theo tôi, đây là sự nhận diện và nhìn thẳng vào khuyết điểm để sửa chữa của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tiêu biểu, gương mẫu về đạo đức. Chúng ta đang vận dụng để nêu cao trách nhiệm đảng viên như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về trách nhiệm nêu gương.
Đến nay, chúng ta vẫn xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm và có mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn 2025, 2035 và 2045.
PV: Có thể khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng ta rất cao. Theo ông, dấu ấn mạnh mẽ nhất trong công tác chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ vừa qua là gì?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung chỉ đạo những phần việc vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và luôn xử lý hài hòa mối quan hệ “xây” và “chống”. Lấy “xây” là cơ bản, “chống” là cấp bách, bức thiết và thực hiện thường xuyên. “Xây” ở đây được hiểu là coi trọng giáo dục về tư tưởng, lý luận, bảo vệ tư tưởng nền tảng của Đảng; Chú trọng xây dựng hoàn thiện đường lối, cương lĩnh, đảm bảo tính đúng đắn của các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch... “Chống” ở đây được hiểu là chúng ta tập trung vào việc chống tham nhũng, nhất là những vụ án tham nhũng lớn.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đến nay có thể khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cơ hội chính trị, “lợi ích nhóm” đã thu được kết quả rất quan trọng. Chúng ta đã làm với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay chúng ta đã điều tra, khởi tố, xử lý hơn 90 cán bộ cao cấp thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta kỷ luật nhiều cán bộ như vậy, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chia sẻ: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác” và “xử một người để cứu muôn người”.
Từ việc mạnh tay xử lý cán bộ có sai phạm cho thấy, việc siết chặt kỷ luật trong Đảng, kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là đã ngăn chặn, đẩy lùi được một bước tình trạng tham nhũng, được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh một cách toàn diện và niềm tin của nhân dân vào Đảng cũng ngày càng được nâng cao.
Lựa chọn đúng cán bộ không hề dễ dàng
PV: Khóa XII có không ít cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật... Theo ông, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm nào từ công tác lựa chọn cán bộ?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nhân sự là vấn đề rất lớn và quan trọng. Khi được lựa chọn vào quy hoạch, cá nhân đó hoàn toàn trong sạch, nhưng khi đã vào vị trí đó rồi, người ta bắt đầu bị chi phối bởi quyền lực, lợi ích, ham muốn vật chất... dẫn đến bị tha hóa, biến chất. Có thể lúc đại hội, chúng ta lựa chọn nhân sự đưa vào cấp ủy, thậm chí đưa vào Trung ương là đúng người. Nhưng sau khi vào cấp ủy, vào Trung ương, vào Bộ Chính trị thì người ta mới bộc lộ hạn chế trước đây, hoặc sau này mới nảy sinh những sai phạm, tiêu cực. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn không hề dễ dàng và có những sơ hở.
Đảm bảo tính chính xác, đúng đắn là yêu cầu cực kỳ quan trọng rồi nhưng còn sau này, trong quá trình công tác vẫn phải tiếp tục kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa sai phạm. Nếu không kịp thời siết chặt kỷ luật thì có thể nhân sự đó sẽ chuyển hóa, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ - Đó là tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Theo tôi, phải loại bỏ được việc "chạy phiếu bầu”. Khâu này là rất tinh vi, rất khó. Cái khó tiếp theo là phải đánh giá thế nào cho đúng là người đó thực sự giỏi. Có những người yếu kém nhưng lại thân quen, "cánh hẩu" thì có khi lại được đánh giá tốt. Cho nên khâu đánh giá cán bộ là rất quan trọng, đánh giá xong thì mới đưa vào quy hoạch, sau đó đào tạo, bồi dưỡng rồi mới phân công sắp xếp cán bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt.
Theo tôi, phải coi trọng và ngày càng hoàn thiện tất cả các khâu của công tác cán bộ từ khâu phát hiện đến đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kể cả chính sách đối với cán bộ. Khi cán bộ có khuyết điểm, chúng ta phải mạnh dạn xử lý với những quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kỷ luật đúng người, đúng việc, không để oan sai và để lọt tội phạm.
Đồng thời, cần nâng cao giáo dục tuyên truyền và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chính những cán bộ đảng viên vừa rồi bị phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý kỷ luật một phần công lao của nhân dân rất lớn, nhân dân là người phát hiện và tố giác.
Cán bộ cấp chiến lược phải ở tầm cao trí tuệ, tuyệt đối không vụ lợi
PV: Công tác lựa chọn nhân sự, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược, là rất khó. Làm sao để tránh những tiêu cực sau lựa chọn, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Để tránh những tiêu cực sau lựa chọn, theo tôi, cần phải kiểm soát quyền lực tốt. Lựa chọn rồi trao cho họ quá nhiều quyền lực mà không kiểm soát, không biết họ làm những gì, như vậy sự tha hóa là rất khó tránh. Nếu không kiểm soát tốt quyền lực thì sẽ mất cán bộ. Do vậy, việc chọn sao cho đúng cán bộ là việc vô cùng lớn và hệ trọng. Muốn vậy, trước hết, sự lựa chọn phải thực sự trong sáng, minh bạch, mang tầm chiến lược và phải được thảo luận kỹ càng.
PV: Theo ông, làm thế nào để những “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu được giữ vững và Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Do đó, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là then chốt của nhiệm vụ then chốt, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; Sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Việt Nam muốn trở thành nước phát triển thì phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ tầm nhìn. Đảng ta trong thời kỳ mới phải nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
Đảng cần những cán bộ biết biến ý tưởng, đường lối, quan điểm thành hiện thực, điều đó đòi hỏi và yêu cầu rất cao về năng lực, không thể chỉ nói hay là được. Đối với cán bộ ở bất kỳ cấp nào, đặc biệt là cấp chiến lược thì phải mẫu mực về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, năng động và sáng tạo trong hành động, uy tín trong Đảng, uy tín với nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải đề cao trách nhiệm, phải làm hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước đất nước và nhân dân. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghiên cứu công tác Đảng trong suốt nhiều năm qua, tôi nhận thấy cán bộ cấp chiến lược trước hết phải chú ý đến tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng trong sáng như mong muốn của Bác Hồ, “dĩ công vi thượng”, không có tơ hào lợi ích, dính vào tham nhũng, lợi ích nhóm. Vì đạo đức là cái gốc của người lãnh đạo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Lan (Thực hiện)