Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Chủng nhìn nhận, mục tiêu cao cả nhất của những quy định, tiêu quẩn, quy chuẩn PCCC là đưa ra điều kiện đảm bảo sinh mạng cho con người. Trong quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra những yêu cầu tối thiểu đảm bảo an toàn PCCC, nhưng thực hiện thế nào để đảm bảo yêu cầu đó lại trong những tiêu chuẩn thiết kế.
“Ví dụ: Cầu thang thoát hiểm cần yêu cầu bơm được khí tươi, tạo áp suất, khói không lọt vào đó để con người bình tĩnh di chuyển trong điều kiện hỏa hoạn. Còn nếu không đảm bảo thì phải có cách thay thế… Trước đây, nhiều công trình không có thì bây giờ chúng ta phải làm để thay thế. Chẳng hạn, làm cầu thang thoát hiểm ra bên ngoài, dù xấu xí nhưng vẫn rất cần”, PGS.TS Trần Chủng chia sẻ.
Nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng) cũng khẳng định, việc tuân thủ yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn là rất cần thiết, đó là giá trị cao nhất. “Tôi không hiểu việc hạ chuẩn mà TP.Hà Nội đề cập là gì, nhưng tuân thủ yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn là giải pháp thay thế đảm bảo tính mạng cho người dân…”, ông Chủng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Trần Chủng nhấn mạnh, việc thay đổi vẫn phải đảm bảo được kết cấu và độ an toàn của tòa nhà. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, việc hạ chuẩn sẽ là tiền lệ cho những vi phạm ở các tòa nhà khác.
“Trước khi đưa vào hoạt động bất kỳ công trình nào, phải có nghiệm thu PCCC. Phải làm kiên quyết ngay từ đầu, không được nhân nhượng đối với bất kỳ vi phạm nào. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác về trách nhiệm bảo hành, đánh giá công trình”, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng) chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo sở PCCC TP.Hà Nội cho biết: “Đề xuất giảm bớt một số yêu cầu quy chuẩn đối với 17 chung cư cao tầng vi phạm PCCC là do TP.Hà Nội gửi lên các bộ. Tuy nhiên, việc giảm bớt hay không vẫn phải được các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia xem xét kỹ lưỡng mới đưa ra được quyết định”.
Trước đó, tại văn bản kiến nghị về việc hạ chuẩn đối với 17 chung cư vi phạm không có khả năng khắc phục PCCC, TP.Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trước năm 2011, chủ đầu tư nhận thức về PCCC yếu kém. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC còn hạn chế.
Lý giải việc đề xuất giảm bớt tiêu chuẩn PCCC, TP.Hà Nội cho rằng, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn phòng cháy có nêu trong một số trường hợp riêng biệt, bộ Xây dựng cho phép giảm bớt một số quy chuẩn ở công trình cụ thể, khi có giải pháp thay thế và được sự thẩm duyệt bởi cục Cảnh sát PCCC (bộ Công an).
Bên cạnh việc đề nghị giảm bớt, hạ chuẩn, Hà Nội cũng nêu ra 10 nhóm giải pháp, tương ứng với nhóm chung cư có cùng vấn đề phải giải quyết.
Đề nghị bêu tên chung cư vi phạm PCCC Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các quận huyện ngày 30/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao sở Xây dựng và Cảnh sát PCCC tiếp tục thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác PCCC tại chung cư, công bố công khai các tòa nhà, các chủ đầu tư có vi phạm, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục. Chủ tịch Hà Nội giao sở Kế hoạch Đầu tư cập nhật các chủ đầu tư vi phạm PCCC, nợ đọng thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, không cấp chủ trương đầu tư các dự án mới khi chưa khắc phục các lỗi cũ. Đối với các tòa nhà tái định cư lâu năm, TP.Hà Nội có chủ trương sử dụng ngân sách TP cải tạo nâng cấp, bổ sung thiết bị PCCC đảm bảo tiêu chuẩn PCCC, yêu cầu Sở Xây dựng và Ban quản lý các công trình văn hóa xã hội, dân dụng thực hiện triển khai sớm. |
Nhất Nam