Một người dân nơi đây đã nhiệt tình dẫn chúng tôi tới khu vực Lũng Thì, thôn Nà Tảng, xã Khâu Tinh để xem “đại công trường phá rừng”. Với hơn một giờ mặc đồ ngụy trang, rồi ngồi trên xe gắn máy để người dẫn đường chở qua các thôn Bản Lãm, Khau Muồn, Phiêng Lủng, Nà Nghè và qua cả khu vực trụ sở UBND xã Khâu Tinh, chúng tôi mới đến khu vực thôn Nà Tảng.
Mặc dù đã có nhiều chuyến leo rừng xem lâm tặc phá rừng nhưng chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng phá rừng tàn bạo như Lũng Thì. Gỗ nghiến bị chặt hạ la liệt, gốc mới có, cũ có, kèm theo là các loại cây khác cũng bị nghiến đổ đè nát thành những khoảng trống trong rừng già. Phần thân gỗ có cây đã chuyển đi hết, có gốc vẫn chưa bị xẻ thịt, có những tấm gỗ đẹp chưa kịp chuyển ra khỏi rừng cũng xếp thành đống tràn lan trong rừng già.
Chúng tôi chọn một chỗ có nhiều bìa bắp, gỗ mới xẻ vứt ngổn ngang để tranh thủ ghi lại một số bức hình. Công việc chụp hình đã hòm hòm cũng là lúc chúng tôi nghe tiếng văng vẳng của những người chuyển gỗ, khi họ leo rừng lấy gỗ chuyến thứ hai trong ngày. Họ đi theo từng nhóm, lúc gặp 3 người, khi gặp 5 người.
Không chỉ bị chặt hạ không thương tiếc, những cây nghiến cổ thụ nơi rừng già Khu Bảo tồn Tát Kẻ – Bản Bung còn bị lâm tặc “làm xiếc” với các thân gỗ nghiến, khiến những cây gỗ quý này trong cảnh sống dở, chết dở. Vì mấy năm gần đây, mốt chơi bìu gỗ nghiến phát triển, bán được giá cao nên có nhóm lâm tặc chỉ đi rừng săn bìu nghiến. Chúng chỉ nhằm khai thác cái bìu (bìu nghiến chỉ có những cây gỗ nghiến bị tật, nên sùi nhựa ra, qua hàng trăm năm như vậy, bìu to phình ra; có những cái bìu lớn đến mức xẻ thành những mặt bàn, mặt sập và có hoa văn giống như tô điểm trên bộ lông con công, nom rất đẹp mắt) nên gặp một cây nghiến to chúng dùng cưa lốc lách vào xẻ phần bìu cho đỡ tốn sức và đỡ lãng phí tiền xăng cưa máy.
Do đó, nhiều cây nghiến cổ thụ vẫn đứng đó, nhưng một phần, thậm chí cả nửa cây có bìu đã bị chúng xẻ lấy thịt, chính là những phần bìu gỗ có văn hoa đẹp đem đi tiêu thụ.
Người dẫn đường liên tục chỉ cho chúng tôi những cây gỗ nghiến bị “phanh thây” khi còn đang đứng, mới thấy sức tàn phá của nhóm lâm tặc này thật đáng sợ.
Sau 3 chuyến leo rừng xem lâm tặc chặt hạ và “làm xiếc” giữa chốn rừng xanh tại các điểm: Lũng Thì, Me Lình, Thôm Phường xã Khâu Tinh, chúng tôi đã đem câu chuyện chứng kiến được kể lại cho ông Nguyễn Tiến Long, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm rừng đặc dụng Na Hang, nghe. Ông Long cho biết: “Chúng tôi đã làm rất quyết liệt, hết sức mình, nhưng chỉ lực lượng kiểm lâm thì rất khó bảo vệ rừng, mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, cả xã, thôn nữa, mới có thể dẹp bỏ nạn phá rừng”.
Chỉ với 26 con người làm công tác bảo vệ rừng, chúng tôi cũng tin chắc rằng việc kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ sự an toàn cho gỗ quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung huyện Na Hang sẽ là vô cùng gian khó.
Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang cần quy trách nhiệm rõ ràng cho cả người đứng đầu cấp xã, thôn đã để xảy ra tình trạng phá rừng liên tục trong nhiều năm. Chỉ có như thế mới có thể hạn chế nạn lâm tặc” làm xiếc” chốn rừng xanh.
Theo Nông nghiệp Việt Nam