Việc áp dụng chưa nhuần nhuyễn các điều luật, sự chồng chéo và khó hiểu trong các điều luật khiến những người thực thi pháp luật còn lúng túng trong việc định tội người phạm tội. Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, Thành viên Hội Luật gia Châu Á.
Thưa ông, có không ít những vụ án nghiêm trọng mà người phạm tội đã có tiền án, tiền sự gây ra. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Không hiếm những trường hợp người phạm tội chưa được xóa án tích, nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Nhiều trường hợp phạm tội có tình tiết tăng nặng, gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều sự nhập nhằng trong áp dụng các điều luật, các khoản khiến nhiều bản án chưa nhận được sự đồng tình của người dân và chưa có tính răn đe đối với tội phạm.
Những trường hợp tội phạm tái phạm thường được áp dụng tại điều 49 của Bộ luật Hình sự, nhưng cũng có những thẩm phán, tùy mức độ còn áp dụng cả điều 194 của Bộ luật Hình sự gây ra tình trạng chưa có sự đồng nhất. Điều 49 Bộ luật Hình sự còn nhiều vấn đề áp dụng chưa sát với thực tiễn và chưa rõ ràng. Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nêu ở trên, thiết nghĩ các ngành tư pháp Trung ương cần có thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng cụ thể Điều 49 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm.
Người phạm tội có tính chất tái phạm, tùy mức độ mà chịu mức tăng nặng hình phạt, cộng dồn các bản án buộc người phạm tội phải thi hành. Người phạm tội đã ra tù rồi gây ra tội mới được xác định là tái phạm, tái phạm nguy hiểm, tái phạm đặc biệt nguy hiểm... Tâm lý của không ít những phạm nhân tái phạm tội thường coi thường pháp luật, bất cần khiến mức độ phạm tội ngày càng tăng nặng. Do đó, cần thiết phải áp dụng các hình phạt nặng để răn đe, đồng thời giáo dục phạm nhân biết tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến những người còn đang là bị án hoặc vừa chấp hành xong hình phạt lại tiếp tục phạm tội?
Có nhiều trường hợp người mới ra tù lại tiếp tục phạm tội, thậm chí là phạm tội rất nghiêm trọng. Theo tôi, nguyên nhân là do những phạm nhân này cải tạo không thành công trong tù, nghĩa là thời gian sống trong tù không đủ cho họ tu tâm dưỡng tính, cải thiện bản thân. Có người mang bản tính côn đồ không thay đổi được nên phạm tội. Một nguyên nhân nữa khiến tội phạm tái phạm là do họ mặc cảm với xã hội, thậm chí có người còn bị chính bạn bè và người thân xa lánh.
Ngoài ra, tâm lý của các doanh nghiệp là không tuyển những người có tiền án, tiền sự khiến người mới ra tù không kiếm được việc làm nên họ không hòa nhập được với xã hội. Để hạn chế tình trạng tái phạm của những người mang tiền án, tiền sự, cần thiết phải có sự chung tay của cộng đồng, đồng thời kiến nghị với Nhà nước, tổ chức các doanh nghiệp cho người mới ra tù, tạo công ăn việc làm cho họ để họ hòa nhập với xã hội.
Quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn
Những vụ án có tính chất và tình tiết gần giống nhau, nhưng mỗi tòa lại tuyên một kiểu, do áp dụng chưa nhuần nhuyễn những điều luật liên quan đến người tái phạm. Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Những vụ án có tình tiết như nhau, nhưng mỗi tòa án áp dụng những mức hình phạt khác nhau, tôi nghĩ nguyên nhân là do trình độ những người áp dụng luật còn hạn chế, áp dụng các điều khoản và các tình tiết chưa thật sự đúng người đúng tội. Khoản 1, Điều 49 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: "Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý".
Như vậy, lần phạm tội trước theo quy định của điều luật là đã bị kết án, không cần phải biết thuộc trường hợp nào. Tại Điểm a Khoản 2, Điều 49 BLHS thì Tái phạm nguy hiểm có thể được hiểu là "đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý"; hoặc "đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý".
Như vậy, sẽ bao hàm cả trường hợp phạm tội mới thuộc trường hợp tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý. Điều luật đòi hỏi để xác định tái phạm nguy hiểm là: "Mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý". Quy định như trên có sự giống nhau, nên dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn khiến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Điều 49 Bộ luật Hình sự 1/. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. 2/. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý. |
Công Thư (thực hiện)