Câu khẩu ngữ đẫm vị bỡn cợt này, hóa ra, lại nêu lên chính xác một yêu cầu về nhận thức/ tự nhận thức, một yêu cầu về ứng xử đầy khôn ngoan.
Biết mình là ai, người ta có thể đạt thành công tối đa với một mức đầu tư tối thiểu, hoặc ít nhất, tránh được những tổn thất không đáng có. Không biết mình là ai, khỏi phải nói, hàng loạt chuyện rắc rối có thể xảy đến.
Chẳng phải đến bây giờ cái yêu cầu “phải biết mình là ai” mới được đặt ra. Từ xa xưa, trong “Đạo đức kinh” của người Trung Hoa đã có câu: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh” (Kẻ biết người được gọi là trí, kẻ tự biết mình được gọi là minh). Binh pháp (cũng của người Trung Hoa nốt) có thêm câu: “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng” (Biết người biết ta trăm trận trăm thắng).
Yêu cầu là như vậy, nhưng thực hiện được yêu cầu đến đâu lại là một chuyện khác. Vì cả trăm ngàn nguyên nhân khác nhau mà chủ thể của hành vi nhận thức/ tự nhận thức đôi khi, nếu không muốn nói là rất thường khi, không biết mình là ai.
Ngày xưa, các bậc khai quốc công thần, sau khi đã giúp hoàng đế lên ngôi, thường ông nào chạy thì sống, ông nào ở lại thì chết. Những ông chết vì không tìm đường mà chạy là những ông quá tin vào tấm lòng đồng cam cộng khổ cũng như sự trân trọng tình nghĩa huynh đệ của đấng con trời.
Các ông không biết rằng đối với ngôi tôn quân thì chính các ông, bằng công tích và uy vọng có khi ngang ngửa hoàng đế, là đối tượng cần phải bị tiêu diệt càng sớm càng tốt. Thế gọi là không biết mình là ai.
Còn ngày nay? Thì đấy, trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú cách đây vài năm, có mấy vị đạo diễn ở Đài truyền hình kia cũng rắp ranh bắn sẻ, lăm le chộp lấy cái vinh dự này làm đồ trang sức, nên mới đưa vào hồ sơ cá nhân cả một mớ phim tài liệu được giải của Liên hoan truyền hình toàn quốc, gửi đi.
Các vị quên mất rằng, về bản chất, đó là tác phẩm báo chí chứ không phải tác phẩm nghệ thuật, rằng các vị là nhà báo chứ không phải nghệ sỹ (nhà báo về mảng văn nghệ thì cũng vẫn là nhà báo mà thôi).
Có thể do Nhà nước ta chưa xây dựng quy chế phong tặng danh hiệu Nhà báo nhân dân, Nhà báo ưu tú nên mấy vị đó thấy sốt trong ruột, chẳng đặng đừng mà “đá lấn sân” cánh nghệ sỹ chăng? Thế nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự không biết mình là ai.
Ví dụ về chuyện không biết mình là ai ở cấp ngoài/ vượt qua cá nhân thì càng nhiều như cát sông Hằng, nhưng chỉ xin được bày tỏ câu chuyện. Đó là, hãy thử nhìn một lượt các tổ chức hội đoàn, các cơ quan thuộc đủ các thể loại ban ngành: ở đâu cũng thấy đơn vị thi đua, ở đâu cũng là tiên tiến xuất sắc.
Nếu tình hình tốt đẹp thế, vậy hà cớ gì báo chí hàng ngày cứ khủng bố người đọc bằng cách trưng ra hàng dãy các thua lỗ, yếu kém, sai sót, vi phạm v.v... trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật v.v...?
Báo chí “tố điêu” chăng, hay là các tổ chức hội đoàn các cơ quan nọ, do không biết mình là ai nên đã liều mình như chẳng có, bằng mọi giá xin cho mình những danh hiệu tiên tiến xuất sắc kia?
Biết mình là ai, không bàn cãi gì nữa, đó là một năng lực chỉ có ở những đầu óc sắc bén, tỉnh táo, không rơi vào mê lú, không bị huyễn hoặc hoặc tự huyễn. Biết mình là ai cũng tức là biết người khác là ai (cái này làm tiền đề cho cái kia, hãy nhớ tới một ý của K. Marx khi ông nói nhìn vào người khác như nhìn vào tấm gương để nhận ra chính mình).
Cổ sử Việt Nam đầy rẫy những tấm gương biết mình là ai rất sáng giá, rất đáng cho kẻ hậu sinh phải học tập. Đức Thái Tổ Cao hoàng đế của nhà Nguyễn (Gia Long) là một ví dụ.
Ai cũng biết ông vua này đã phải khổ sở điêu đứng đến thế nào trong thời gian đầu của cuộc chiến với Tây Sơn. Quân đội của ông mạnh dần lên, quân bình được, rồi chiếm ưu thắng trước quân đội Tây Sơn là nhờ vào rất nhiều nguồn lực, trong đó không thể không kể đến sự giúp sức của những người Châu Âu, mà giáo sỹ thừa sai, Cha Cả Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) là người có công lớn nhất.
Quan hệ giữa Gia Long và Pigneau không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhưng ở thời điểm nào thì ông vua Việt Nam cũng cho thấy ông rất biết mình là ai và mình cần phải làm gì với vị cố đạo Tây dương kia.
Thoạt đầu, Pigneau là chiếc cầu nối Gia Long với phương Tây để mua tàu thuyền, vũ khí, tuyển mộ các cố vấn quân sự... Bởi thế mà Pigneau rất được trọng thị, việc truyền đức tin Thiên Chúa của ông ta cũng vô cùng thuận lợi.
Thế nhưng, khi Hiệp ước Versailles mà Pigneau đại diện Gia Long ký với chính phủ Pháp chỉ có giá trị của một tờ giấy lộn, khi Gia Long biết quá rõ rằng sức mạnh thực sự của mình nằm ở sự giúp rập của đám văn thần võ tướng da vàng (người Việt, người Chăm, người Kh’me, người Minh hương), tình hình đã trở nên khác hẳn: Gia Long đòi xem xét lại vấn đề tự do truyền đạo với Pigneau, thậm chí còn bắt một viên quan theo đạo Thiên Chúa phải lạy bàn thờ các tiên vương với một câu hăm dọa “Ngươi có muốn ta gửi ngươi sang Xiêm cho Phật vương bắt lạy Phật không?”.
Hài hước nhất là chuyện xảy ra khi Pigneau qua đời (1799). Để thể hiện sự tiếc thương với Thái tử Thái phó Bi Nhu quận công, triều đình Gia Định đã tổ chức một tang lễ thật trọng thể, nhưng không phải kiểu tang lễ cho một giáo sỹ Thiên Chúa.
Phải biết mình là ai. Nói thì dễ, nhưng làm được không dễ. Mặt khác, đến một lúc nào đó, khi trong đời sống người ta không còn chế giễu hoặc nhắc nhở nhau rằng “phải biết mình là ai”, chắc hẳn đó sẽ là một thứ đời sống đóng hộp mất rồi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.