Sáng 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án luật Quy hoạch.
Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), phát biểu: “Về chi phí cho hoạt động quy hoạch tại Điều 9 của dự thảo luật quy định, kinh phí thực hiện thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy theo luật Đầu tư công tại các Điều 7, 8, 9, 10, không có tiêu chí nào xác định hoạt động lập, thẩm định, quyết định, phê duyệt, quy hoạch… thuộc các loại dự án đầu tư công. Do đó sẽ không thể bố trí vốn cho hoạt động này. Theo tôi, cần phải thiết kế lại quy định này theo hướng các chi phí trên phải sử dụng từ vốn đầu tư công theo luật Ngân sách trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 2. Trong trường hợp vẫn giữ như khoản 1 Điều 9 như dự thảo luật Quy hoạch đề xuất sửa đổi luật Đầu tư công ngay mới đảm bảo tính khả thi của luật Quy hoạch.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Điều 67 của dự thảo luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ chủ trì tổ chức giám sát, phản biện xã hội về quy hoạch. Tuy nhiên, dự thảo không có điều khoản nào quy định về nội dung này, hình thức phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đề nghị cần quy định một điều khoản cụ thể về vấn đề phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Theo dự thảo luật xác định phải điều chỉnh 32 luật liên quan để luật Quy hoạch có hiệu lực, tôi rà soát thấy ngoài 32 luật đã đề cập còn nhiều luật, pháp lệnh như luật Dược, luật Xuất bản, luật Giáo dục Quốc phòng an ninh… cũng có quy định về quy hoạch, trong đó có nhiều điểm quy định trách nhiệm lập quy hoạch. Vậy nếu theo khoản 2, Điều 69 của luật thì những quy hoạch này có tồn tại không. Do đó, nếu không sửa đổi các luật, pháp lệnh liên quan thì không đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật”.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum nhấn mạnh, phải có quy định để ngăn được lợi ích nhóm “cài cắm” khi lập quy hoạch. Theo Đại biểu Tám: “Các nguyên tắc cơ bản lập quy hoạch, về cơ bản đã đảm bảo làm cơ sở cho việc quy hoạch. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cần bổ sung mục tiêu của hoạt động Quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng thời, ở nguyên tắc thứ 5 dự thảo luật quy định “đảm bảo khả thi, tiết kiệm, hiểu quả các nguồn lực trong quy hoạch”. Chính vì thế, hoạt động quy hoạch cần phải có phản biện. Chính vì thế, theo tôi nên bổ sung vào luật việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước và xã hội trong hoạt động quy hoạch, vì thế sẽ hợp lý hơn”.
Đỗ Thơm