Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và có nghị quyết giao Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội bàn các giải pháp để năm 2025 đạt tăng trưởng 8% trở lên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chưa có năm nào như năm nay Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho 63 tỉnh, thành phố. Nếu năm nay tăng trưởng 8% thì giai đoạn 2026 - 2030 mới đạt tăng trưởng 2 con số, mới đạt mục tiêu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao.
"Đây là nghị quyết lớn của Đảng, đòi hỏi Quốc hội phải bàn giải pháp, từ đó Chính phủ có cơ sở điều hành, các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm lớn thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên", Chủ tịch Quốc hội nói.
![Phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân- Ảnh 1. Phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/14/chu-tich-quoc-hoi-1739533008954355591775.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp tổ chiều 14/2 (Ảnh: Media Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề then chốt phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bởi lẽ trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, đầu tư tư nhân chiếm 55%. Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%. Khi đầu tư tư nhân phát triển thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
"Để phát triển đầu tư tư nhân, quan trọng nhất là cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà Chính phủ đề xuất: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được điều chỉnh sớm hiệu lực thi hành, từ ngày 1/8/2024, là tiền đề để Chính phủ điều hành tăng trưởng 6 tháng cuối năm.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục tháo gỡ khó khăn với việc ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi), "1 luật sửa 4 luật" về đầu tư", "1 luật sửa 9 luật" về tài chính, ngân sách… phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương. Để triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, việc Chính phủ sớm ban hành các nghị định, thông tư là tiền đề để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển đất nước.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 này, Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phân cấp mạnh cho Chính phủ, địa phương trong ban hành các chính sách. Quốc hội chỉ ban hành luật khung, Chính phủ phải ban hành nghị định, bộ, ngành ban hành thông tư.
![Phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân- Ảnh 2. Phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/14/ct-quoc-hoi-1739533156599211470230.jpg)
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Thủ tục đầu tư phải thông thoáng, cởi mở. Muốn phát triển kinh tế sâu rộng, bền vững, Chính phủ cần xác định không nên đặt mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn mà cần nhìn mục tiêu dài hạn hơn, quan tâm bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Khi điều kiện, cơ chế thông thoáng thì tạo động lực cho doanh nghiệp, người dân đầu tư. Nếu đặt mục tiêu ngắn hạn thì không khuyến khích được đầu tư.
Quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là cơ chế phải thông thoáng, tháo gỡ những vấn đề cấp thiết: điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt đô thị Hà Nội, Tp.HCM, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là quyết sách lớn, có tính dài hạn.
Trong các nhiệm vụ để phấn đấu tăng trưởng năm 2025 đạt ít nhất 8%, Chính phủ ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Quốc hội cho cơ chế giải quyết thí điểm ở Tp.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, một số địa phương.
Tập trung tháo gỡ thị trường bất động sản để tăng nhanh nguồn cung. Đây là chủ trương đúng song để thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm. Hiện nay, trong nhiều dự án đang làm có dự án bị vướng quy hoạch, thủ tục… bản chất không phải vướng mắc về pháp lý mà về mặt thủ tục cần phải tháo gỡ.
"Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung trông chờ biện pháp hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông, chủ trương của Đảng rất rõ, phải quyết tâm triển khai, khó đến đâu tháo đến đó, tắc đến đâu thông đó. Nhiều địa phương không kêu khó, làm hiệu quả, có nơi phát triển nhanh, có địa phương lại chậm. Do đó, cần xem lại khâu triển khai, tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, mục tiêu 8% trở lên phải quyết tâm đồng bộ, từ Đảng, Nhà nước, Trung ương, địa phương đến toàn dân, phát huy sức mạnh mới thực hiện được.