Tin nhắn rác bao gồm hai loại, loại thứ nhất là tin nhắn có nội dung vi phạm quy định nội dung, loại thứ hai là tin nhắn có sai phạm về cách thức gửi tin.
Do đó phải có chế tài xử lí phải khác nhau, đối với loại thứ nhất phải tuyệt đối ngăn chặn, còn loại thứ hai phải được điều chỉnh.
Tin nhắn rác có sự tham gia của nhiều bên như đơn vị sản xuất nội dung, đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị khai thác kinh doanh dịch vụ di động - nhà mạng…
Cho nên, cần phải có chính sách điều chỉnh với tất cả các bên. Đối với đơn vị sản xuất nội dung, chúng ta đã có nhiều quy định xử lí vi phạm như quy định xuất bản báo chí…
Đối với đơn vị kinh doanh di động, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định như Nghị định 90 (năm 2008) về chống thư rác, tiếp đến là Nghị định 77/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 với các chế tài xử lý mạnh tay hơn vấn nạn này.
Tuy khách hàng đã từ chối nhưng vẫn phải nhận tin nhắn từ phía nhà mạng.
Còn riêng với đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trong khoảng 2 năm trở lại đây, vai trò của đơn vị này trên mạng viễn thông di động mới được quan tâm một cách đáng kể.
Từ trước đến nay, đơn vị cũng chỉ được nhìn nhận chung chung như một đơn vị cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng chứ chưa có những chính sách điều chỉnh cụ thể trực tiếp.
Vì vậy, những quy định hiện hành đối với riêng dịch vụ tin nhắn là chưa đủ trong việc điều chỉnh sâu quyền và trách nhiệm đối với tất cả các bên liên quan đến nội dung thông tin trên tin nhắn.
Đã đến lúc cần thể chế hóa chính sách quản lý việc cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, nhằm quản chặt chẽ dịch vụ này một cách tương xứng như các dịch vụ nội dung khác trên mạng Internet. Nghị định mới sẽ hạn chế tối đa tình trạng này.
Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung có đầu số (CSP) và đơn vị sản xuất nội dung (CP) đều phải đăng ký mã số quản lý, phải cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ cho bộ Thông tin - Truyền thông.
Trước khi cung cấp dịch vụ, yêu cầu phải có website cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ, giá cước, cách sử dụng...; công khai đầy đủ thông tin về dịch vụ tới người dùng - thông tin về giá cước và dịch vụ được hiển thị cùng kiểu với mã lệnh và có kích thước tối thiểu bằng 2/3 kích thước mã lệnh...; nghiêm cấm việc thu cước sử dụng dịch vụ mà không thông báo với người sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn không đúng với yêu cầu của người sử dụng.
Đại diện cục Kỹ thuật nghiệp vụ II A71 (bộ Công an) cũng cho rằng: “Các nhà mạng cần phải quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước, và phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng sim rác bán tràn lan trên thị trường".
Nghị định 77 vừa ra đời được cho sẽ quản lý vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hiệu quả hơn so với Nghị định 90. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà mạng vẫn chưa được nêu ra trong Nghị định mới, bởi hơn ai hết, các nhà mạng là đơn vị trực tiếp quản lý kho số và các sim điện thoại phát tán tin nhắn rác.
Hón Thỵ