Trong mất mát đớn đau ngỡ tìm được hạnh phúc
Cả cuộc trò chuyện, chị Lê Thị Thoa, 33 tuổi (quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) luôn giữ vẻ mặt trầm tư, đôi mắt u buồn. Chị Thoa tâm sự, ngay từ nhỏ, chị không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Lúc nào chị cũng cảm thấy mệt mỏi, đau ốm liên miên. Có những cơn đau chị cảm nhận bởi sự nhức nhối trong xương, như có dòi bò.
Khi ấy chị Thoa chỉ nghĩ mình hay chạy nhảy, đùa nghịch với bạn bè nên tối đến cảm thấy mệt mỏi mà thôi. Thế nhưng, càng ngày chị càng cảm thấy mình có những cơn đau rõ rệt. Chị bảo rằng: "Nỗi đau chất độc màu da cam đã hành hạ cả 4 anh chị em trong nhà và giờ chị đang phải đối mặt với nó".
Hy vọng chị có thêm thật nhiều nghị lực để chiến thắng bệnh tật
Năm 1994, chị Thoa tròn 14 tuổi, những cơn đau liên tiếp hành hạ chị. Chị cảm thấy đau buốt tận trong xương tủy, gia đình đã đưa chị đi khám và chữa trị khắp nơi nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Các bác sĩ ở Thanh Hóa chẩn đoán chị bị u sụn nhưng cũng không có liệu pháp chữa trị hữu hiệu.
Chạy vạy khắp nơi, cuối cùng gia đình cũng quyết định đưa chị ra Bệnh viện K (phố Quán Sứ, Hà Nội) khám. Cái tin chị bị u sụn và bác sĩ chỉ định buộc phải cắt bỏ chân mới có thể cứu sống tính mạng khiến chị như chết lặng. "Mười mấy tuổi đầu, khi bạn bè được học hành, chạy nhảy vui vẻ, tôi lại phải chịu đựng nỗi đau chấp nhận đánh đổi một phần cơ thể để cứu sống tính mạng. Còn nỗi đau nào đau hơn thế?", chị Thoa mắt hoe đỏ gặng hỏi lại tôi. Trước câu hỏi ấy, tôi chỉ biết im lặng đầy thương cảm.
Ca phẫu thuật và sự ám ảnh bị cưa mất một chân đã khiến chị khóc nhiều ngày ròng. Chị Thoa kể: "Bố mẹ và mọi người đã động viên tôi, dù sao tôi vẫn có cơ may sống sót, tôi còn hạnh phúc hơn nhiều người". Cũng từ ấy tôi sống cởi mở và lạc quan hơn. Sau này, khi ở độ tuổi cập kê, chị Thoa đã quen anh Lê Bá Nam (cũng sinh năm 1978) và cả hai đã đem lòng thương mến nhau.
Chị Thoa sụt sùi khóc: "Điều may mắn và hạnh phúc nhất đối với tôi đó là có một người đàn ông thương yêu, đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Dù biết tôi chẳng lành lặn nhưng anh ấy nhất mực xin cưới để được chăm sóc tôi. Năm 23 tuổi, tôi xây dựng gia đình và sinh hạ một bé gái. Với tôi, cuộc đời đã bước sang trang khác, không còn bi phẫn nữa".
Bất hạnh chất chồng
Chuỗi ngày hạnh phúc được chăm sóc con thơ và nhận được sự quan tâm của chồng khiến chị Thoa lạc quan và yêu đời. Con là niềm vui sống lớn nhất của chị. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau khi sinh con một thời gian, sức khỏe của chị Thoa cũng bắt đầu có những dấu hiệu bất thường. Chị luôn thấy mệt mỏi. Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, mọi thứ đổ dồn lên vai chồng. Áp lực kinh tế ngày càng chất chồng, chị Thoa cũng không thể níu áo người chồng vẫn đầu gối tay ấp bên mình. Khi cô con gái chưa đầy 3 tuổi, chồng chị đã bỏ hai mẹ con đi theo một người phụ nữ khác...
Nhắc đến cô con gái, mắt chị đỏ hoe. Chị muốn khóc lắm nhưng cố kìm lại. Chị bảo rằng: "Tội cho con bé, từ khi sinh ra nó cũng bị một cục u to ở lưng. Nó bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Tôi cũng chẳng biết con có mắc bệnh gì hay không. Nó vẫn đang đi học. Tôi chỉ biết cầu mong cháu đừng mắc căn bệnh gì quái ác".
Như chạm vào mạch cảm xúc, chị Thoa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình. "Bố tôi là thương binh (bị ảnh hưởng chất độc da cam), mẹ mắc chứng thần kinh lúc tỉnh lúc mê. Nhà có 5 chị em đều bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Hai người em trai đã bị chết vì ung thư xương. Bố mẹ giờ cũng đau ốm liên miên vì thương con gái. Cực lắm chị ạ!".
Trong cuộc trò chuyện, tôi đã rất nhiều lần nhìn thấy chị nén lại những tiếng nấc và những giọt nước mắt lăn trên gò má. Chị bảo rằng, tưởng chừng sẽ chẳng còn nỗi đau nào có thể cắn xé thể xác, tinh thần chị nữa. Nỗi đau mất đi một phần cơ thể đã đau đớn, nỗi đau bị người mình thương yêu nhất "bỏ quên" lại càng đau đớn gấp bội. Sau mười mấy năm, chị lại nhận một tin sét đánh: Chị bị ung thư xương và phải cắt bỏ tay phải. Chị không thể khóc nổi. Chị dường như không tin vào số phận quá nghiệt ngã của mình...
Chị Thoa khẽ khàng nói: "Mãi đến tháng 12/2010 tôi mới nhập Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị K xương và chỉ định cưa bỏ tay. Thế là, tôi đã bị cưa cả chân phải, tay phải. Đi lại phải có người đẩy xe". "Chẳng cần nói, chắc chị (PV) cũng hiểu được cuộc sống của một người mất tay, chân ngồi trên xe lăn thì khó khăn đến mức nào rồi. Hàng ngày, chồng tôi phải chăm sóc tôi ở viện ", chị Thoa chia sẻ.
Mất chân, cụt tay mới “được”... chồng
Chị Thoa khi đang điều trị tại bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp (Thành Nhàn, Hà Nội)
Nghe chị Thoa nhắc đến chồng, tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Chị Thoa hiểu ý và phân trần với tôi: "Biết tin em đau ốm, bệnh càng ngày càng nặng thêm, chồng em đã quay về đoàn tụ với vợ con. Anh ấy về với em cũng được hai năm rồi. Anh ấy cũng không đi làm gì cả, thương vợ chỉ suốt ngày quanh quẩn bên vợ, chăm vợ thôi".
Khi nghe chị Thoa kể chuyện, tôi chợt nhớ đến tiêu đề một bộ phim "Ngày mai trời lại sáng". Hy vọng sự trở về của người chồng sẽ thắp lên những tia sáng nghị lực cho chị Thoa trong cuộc hành trình đối mặt và chống chọi với bệnh tật nghiệt ngã.
Nói về những lần điều trị bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp, chị Thoa đã dùng cụm từ "cùng cực nỗi đau" để chia sẻ với phóng viên. Chị bảo rằng, tôi đã trải qua 4 lần sinh thiết (một thuật ngữ trong y học). Những cơn đau giằng xé. Tháng 12/2010, tôi làm sinh thiết đợt một. Sau khi sinh thiết, người tôi như rã rời, chẳng muốn ăn uống gì. Mọi người trong gia đình, các bác sĩ đã động viên tôi gắng gượng.
Rồi tôi cũng xóa bỏ được những cảm giác mệt mỏi thường trực đó. Đến tháng 3/2011 tôi lại phải “đục” sinh thiết lần hai. Vẫn là những chuỗi ngày vật vã, đau đớn. Rồi đến tháng 4, các bác sĩ lại tiến hành đục nạo ổ khớp. Và đúng vào dịp 30/4, khi tất cả mọi người hân hoan, vui vẻ đi chơi đón ngày lễ lớn của đất nước, chị Thoa nhận được tin sẽ tiến hành phẫu thuật cắt tay. "Đâu cứ phải cắt cụt là xong, sau khi phẫu thuật, tôi tiếp tục phải truyền hóa chất trong hai tháng (tháng 5 và 6). Về nhà nghỉ được ít hôm, tôi lại phải nhập viện tiếp tục điều trị...".
Chị Thoa nói với giọng yếu ớt: "Mệt mỏi vì bệnh tật đã đành, trời bắt ai người ấy chịu. Nhưng quả thật, căn bệnh này khiến nhà tôi khánh kiệt. Bố mẹ phải cắm sổ đỏ lấy tiền chữa trị bệnh cho tôi. Mỗi lần làm sinh thiết, điều trị hóa chất tốn kém hơn chục triệu, có khi đôi chục triệu đồng. Bố mẹ và người thân trong gia đình lại chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Cả nhà chỉ trông vào đồng lương, phụ cấp thương binh ít ỏi của bố tôi (hơn 1 triệu/tháng-PV)...".
Cuối cuộc trò chuyện, chị Thoa bảo với tôi: "Em chỉ mong sớm khỏi bệnh để được về sống vui bên chồng con, dù em biết niềm mơ ước ấy còn nhiều chông gai"...
Ngân Giang