Một phái đoàn Sri Lanka sẽ đến Washington vào tuần tới nhằm tìm giải pháp đảm bảo khoản vay lên tới 4 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức cho vay khác. Đây là một trong những nỗ lực của quốc đảo này để có thể chi trả nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và hạn chế vỡ nợ.
Phái đoàn do Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry dẫn đầu bày tỏ hy vọng sẽ bắt đầu đàm phán với những nhà cho vay cuối vào ngày 18/4, đảm bảo viện trợ được triển khai sớm nhất là một tuần sau các cuộc đàm phán.
Trước cuộc đàm phán, Sri Lanka đã tăng lãi suất, phá giá đồng nội tệ và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Giới chức nước này kêu gọi người dân giữ bình tĩnh trước tình trạng giá cả tăng cao và sự thiếu hụt lương thực, thuốc chữa bệnh ngày càng trầm trọng.
Bộ trưởng Tài chính Sabry chia sẻ với hãng tin Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/4 rằng: “Chúng tôi cần nguồn tài trợ khẩn cấp ngay lập tức để đưa Sri Lanka trở lại đúng hướng”, đồng thời cho biết nhu cầu tài trợ trong năm nay vào khoảng 3-4 tỷ USD. Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi họ phát hành tài trợ càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, việc Sri Lanka thuyết phục IMF cho vay có thể gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh bất ổn chính trị tại quê nhà, người dân đã biểu tình trên đường phố kêu gọi chống lại Tổng thống Rajapaksa. Nền kinh tế Sri Lanka trị giá 81 tỷ USD hiện đối mặt với các nghĩa vụ nợ lên tới 8,6 tỷ USD trong năm nay. Nước này đã tuyên bố tạm dừng thanh toán các khoản nợ nước ngoài để dành tiền mặt cho việc nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu thiết yếu.
Bộ trưởng Sabry khẳng định niềm tin vào phái đoàn mà ông sẽ dẫn đầu: “Với tất cả chuyên môn, chúng tôi đang xem xét để đưa ra giải pháp bảo vệ nền kinh tế Sri Lanka”. Khoản vay gần đây nhất của IMF cho Sri Lanka là vào năm 2016, giúp nước này nhận 1,5 tỷ USD trong ba năm tiếp theo. Thời điểm đó nền kinh tế đang tăng trưởng khoảng 5% và du lịch cũng chiếm khoảng 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong bối cảnh không có nguồn thu từ du lịch, Sri Lanka gần đây đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước gồm Trung Quốc và Ấn Độ khi dự trữ ngoại hối yếu. Ông Sabry cho biết cũng đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để được hỗ trợ.
Chiến lược gia Sanjeewa Fernando tại hãng cung cấp dịch vụ thị trường vốn CT CLSA Securities cho biết kế hoạch tái cơ khoản vay của Sri Lanka cần phải đảm bảo sự đáng tin cậy và giảm nợ xuống mức bền vững. Ông cũng nhấn mạnh cần thiết phải xác định mốc thời gian chính thức cho việc cải cách tài khóa.
Giới chức trách Sri Lanka đang tìm cách giảm chi tiêu, bao gồm cả việc ngừng tuyển dụng tại các cơ quan chính phủ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe chia sẻ rằng đã bắt đầu làm việc với IMF và chính phủ sẽ xem xét biện pháp tăng thu ngân sách nhà nước.
IMF cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế và chính trị” và “rất quan tâm” đến những khó khăn mà người dân phải gánh chịu, đặc biệt là những người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, NPR)