Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã chia sẻ với phóng xung quanh vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác bệnh nhân. Cuộc trao đổi được thực hiện bên lề buổi thảo luận tổ về tình hình Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chiều 29/10.
Trách nhiệm của Sở Y tế không thể chối bỏ
PV: - Thưa ông dư luận hơn tuần qua rất bức xúc về vụ việc thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường ném xác bệnh nhân, song Sở Y tế Hà Nội không xin lỗi và cho rằng đó là lỗi của hệ thống phân cấp phân quyền. Thêm nữa chánh thanh tra y tế Hà Nội còn nói rõ: sở không quản việc của y tế phường, đó là việc của phường, quận. Nếu không có dấu hiệu vi phạm, hay không thuộc danh sách đã có giấy phép kinh doanh gửi lên Sở thì thanh tra Sở y tế cũng không biết gì mà thanh tra, kiểm tra. Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc này?
Ông Nguyễn Đình Quyền: - Trách nhiệm này là trách nhiệm quản lý nhà nước, trong đó Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm tham mưu cho UBND trong quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế thì phải có trách nhiệm. Tôi chả hiểu vì sao lại chối bỏ?
Một là phải thường xuyên kiểm tra thanh tra. Mục đích quản lý nhà nước ở đây Sở y tế trong từng ấy năm các phươn tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến việc tiêu cực trong việc hành nghề thiếu điều kiện không có giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy từng đó thời gian đã thanh tra, kiểm tra chưa? Vậy kiểm tra đã phát hiện được gì chứ không phải xảy ra vụ Cát Tường rồi thì mới bắt đầu phải rà soát. Không phải làm theo phong trào. Rõ ràng là quản lý nhà nước phải là hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng, … thanh tra đột xuất, theo kế hoạch chứ không phải có vụ Cát Tường rồi mới tổng rà soát.
Thanh tra xem tổ chức đó có giấy phép hành nghề hay không; khả năng như thế nào. Về chuyên môn không có gì là khó cả. Việc anh không phát hiện được có 2 khả năng. Một là năng lực quá dốt, hai là ăn tiền, bảo kê. Mà khả năng ăn tiền, bảo kê là rất nhiều.
Tức là cứ đến thanh tra, phong bao phong bì rồi lại kéo nhau về thì làm sao mà thực thi công vụ được?Mà trách nhiệm quản lý thanh tra, kiểm tra, xử lý là thuộc Sở Y tế.
Điều này đã quá rõ ràng như một cộng một là hai rồi. Quản lý nhà nước khi xảy ra trên lĩnh vực nào của ngành nào thì người đứng đàu ngành đó phải chịu trách nhiệm.
Ở các nước người ta tự trọng không phải để đến mức phải xử lý. Ví dụ khi đã để đến mức có chết người xảy ra tai nạn như vậy… thì sẽ từ chức luôn.
Ở các nước người ta tự trọng không phải để đến mức phải xử lý. Ví dụ khi đã để đến mức có chết người xảy ra tai nạn như vậy… thì sẽ từ chức luôn. |
PV: - Thưa ông nhưng thực tế việc quy trách nhiệm này đang không rõ ràng và dư luận rất bức xúc vì sự vô trách nhiệm này, ông có nhận xét gì? Theo ông cần phải thay đổi gì để hệ thống quản lý được minh bạch, có trách nhiệm rõ ràng?
Ông Nguyễn Đình Quyền: - Điều này liên quan đến Luật Công vụ. Thực ra, địa chỉ quy trách nhiệm bây giờ không phải là không có khả năng để quy. Chẳng qua là chưa rõ lắm. Do vậy chúng ta cần ban hành Luật công vụ là mỗi vị trí phải có trách nhiệm cụ thể.
Ví dụ trong trường hợp ông Giám đốc Sở y tế đã làm hết trách nhiệm của mình rồi, đã thường xuyên yêu cầu kiểm tra, thanh tra và thường xuyên báo cáo khi thấy có hiện tượng thì yêu cầu phải làm rõ. Nếu ông đã làm hết trách nhiệm đó rồi thì ông được loại trừ trách nhiệm. Khi đó sẽ đến thanh tra, hoặc thanh tra viên.
Có nghĩa là ở mỗi cấp khi anh đã làm hết trách nhiệm do Luật định rồi thì có thể được loại trừ.
Nhưng anh là giám đốc lại không ra chỉ đạo thường xuyên kiểm tra. Rồi không đôn đốc xem hiệu lực thanh tra thế nào.
Ví dụ trong lĩnh vực quản lý y tế thấy báo chí phản ánh tiêu cực như vậy mà đi thanh tra về không phát hiện được gì thì phải xem lại thanh tra kiều gì? Chắc chắn có vấn đề “nháy nháy” trong đó.
Phải xem xét trách nhiệm tất cả lãnh đạo Sở
PV: - Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội và cũng là đại biểu của Hà Nội, ông đã có ý kiến gì với UBND giải quyết vụ việc và ông có tư vấn gì cho họ?
Ông Nguyễn Đình Quyền: - Tôi cho rằng UBND phải xem xét trách nhiệm tất cả lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội những người được phân công làm nhiệm vụ này. Đặc biệt lực lượng thanh tra chuyên trách là phải kỷ luật, mà phải kỷ luật nặng.
Còn vai trò của Bộ trưởng Bộ Y tế trong chuyện này đã có văn bản chỉ đạo đối với 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương là phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đối với hoạt động hành nghề y dược nói chung cũng như là thẩm mỹ nói riêng chưa. Nếu Bộ trưởng đã làm rồi, đốc thúc rồi mà các tỉnh vẫn chậm triển khai thì đó là trách nhiệm của các tỉnh. Còn bộ trưởng chưa làm thì cũng phải xem xét trách nhiệm của mình.
Với vai trò của người đứng đầu ngành đó phải thu thập thông tin xung quanh lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Sau đó ra văn bản chỉ đạo và đôn đốc thực hiện là trách nhiệm của bộ trưởng vì thay mặt Chính phủ chuyên trách quản lý lĩnh vực này. Tiếp đến là UBND các tỉnh lại ra văn bản chỉ đạo các đơn vị trong địa bàn.
Như một guồng máy yêu cầu từ cao xuống thấp đi kèm với việc đôn đốc kiểm tra và xem xét trách nhiệm chứ không phải tung ta yêu cầu rồi bỏ lửng.
Cơ chế hiện hành đủ để quy trách nhiệm việc này. Hiện chúng ta có đủ cơ sở pháp lý quy trách nhiệm đối với từng địa chỉ cụ thể.
PV: - Cá nhân ông nghĩ sao về vai trò quản lý hiện nay?
Ông Nguyễn Đình Quyền: - Sự tắc trách của quản lý nhà nước dẫn đến hậu họa mà trong chuyện này là chuyện lớn, mất mạng người. Như vậy thì phải cảm thấy lương tâm cắn rứt và phải vắt tay lên trán nghĩ rằng nếu mình cố gắng một chút có thể sự việc không xảy ra.
Còn việc hiện nay dư luận hiện nay đang có chuyện bảo kê bao che, tiêu cực, ăn tiền theo cả dây, chưa có đánh giá căn bản. Nhưng có hiện tượng như vậy thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc. Kể cả trinh sát điều tra, cơ quan phòng chống tội phạm, thanh tra chính phủ và bộ phận giám sát phải đồng thời vào cuộc.
Đây là nỗi đau chung của toàn xã hội thì không thể có chuyện chối bỏ trách nhiệm như vậy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bích Ngọc (Đất Việt online)