Quyền nhân thân của mỗi cá nhân đối với hình ảnh, bí mật đời tư cũng như danh dự, nhân phẩm, uy tín được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Tại Điều 32, 33, 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc sử dụng hình ảnh, thu nhập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và còn sống phải được người đó đồng ý. Pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó.
Nếu gặp phải trường hợp hình ảnh nhạy cảm bị phát tán, thay vì trốn chạy, nạn nhân nên làm những việc sau:
Đầu tiên, nhờ người thân cùng report (báo vi phạm) với Facebook/Youtube. Các mạng xã hội chính thống đều có chính sách xóa bỏ các video clip và hình nhạy cảm.
Thứ hai, trình báo với cơ quan chức năng. Trước hết người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những trang mạng đăng hình ảnh, clip nhạy cảm.
Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết.
Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản do các Văn phòng thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm… Sau đó, thừa phát lại phải gửi vi bằng qua Sở Tư pháp để vào sổ đăng ký.
Trường hợp có địa chỉ của người đăng hình ảnh, clip nóng, nạn nhân có thể gửi thư hoặc văn bản yêu cầu gỡ ngay. Nếu người đó không thực hiện yêu cầu, nạn nhân nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày hoặc chậm nhất là 2 tháng, cơ quan công an phải có văn bản trả lời.
Nếu kết luận của cơ quan công an xác định hành vi của người đưa hình ảnh, clip nóng đó lên mạng xã hội thì tùy mức độ vi phạm, thiệt hại xảy ra để xử lý trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính người đưa thông tin.
Tuy nhiên, có một thực tế là không ít trường hợp những kẻ nói xấu không dùng trang cá nhân, hay danh tính thật, mà lập một trang ảo.
Về điều này, Cơ quan chức năng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không dựa vào tên trên mạng để xác minh hành vi vi phạm, mà có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác. Vì vậy, dù người vi phạm có sử dụng nick ảo hoặc tên người khác để che giấu thì vẫn có thể bị phát hiện, xử lý.
Hoàng Mai