Lập vi bằng để làm căn cứ khởi kiện
Hiện nay, chuyện viết status nói xấu nhau, chửi “đổng” nhau hay vu cáo nhau trên mạng xã hội (facebook) hay bất cứ một mạng xã hội nào khác không phải là chuyện hiếm. Song thực tế, để kiện nhau ra toà thì rất ít, bởi khi xảy ra chuyện, nhiều người tặc lưỡi cho rằng “thôi, kệ” rồi cứ thế cho qua. Vậy, trong trường hợp người bị chửi muốn bảo vệ danh dự cho mình thì cần phải làm gì?
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề liên quan đến nội dung trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên các trang mạng xã hội căn cứ vào tính chất và hậu quả của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Hiến pháp 2013 có quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận” thế nhưng công dân không phải vì ỷ thế có quyền mà “thả lỏng” những lời nói của mình ở bất cứ đâu với bất kỳ người nào. Đôi khi việc sử dụng những lời lẽ chửi bới thô tục, xúc phạm đối với một số người là một việc làm hết sức bình thường, tự nhiên và thành thói quen thế nhưng những lời lẽ ấy được đưa lên mạng xã hội thì nó trở nên không còn bình thường nữa.
Tùy theo hành vi, mức độ vi phạm, người xúc phạm bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trường hợp xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của bạn, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 về tội Làm nhục người khác với mức phạt tù cao nhất là 2 năm khi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Bên cạnh đó, nạn nhân có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại về tổn thất về tinh thần theo quy định.
Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đòi hỏi người có yêu cầu phải chứng minh được quyền nhân thân bị vi phạm để làm căn cứ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Do đó, khi bị chửi bới trên mạng xã hội, nạn nhân cần ra Thừa phát lại lập vi bằng về hành vi vi phạm trên làm căn cứ khởi kiện.
“Sau khi lập vi bằng, người bị xâm phạm về uy tín, danh dự có thể tự mình hoặc thông qua luật sư, làm đơn tố cáo ra công an hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”, vị luật sư cho hay.
Cần làm gì khi bị tài khoản ảo bôi nhọ trên mạng xã hội?
Trao đổi với phóng viên về việc nếu người bị hại bị tài khoản ảo, hoặc chủ tài khoản chối bỏ việc bản thân đăng tải thông tin xúc phạm người khác trên trang cá nhân, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, khi gặp trường hợp bị tài khoản ảo vu khống trên mạng xã hội (facebook), người bị hại cần phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Luật sư Cường cho biết, khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định rõ ràng về hành vi làm nhục, vu khống người khác.
Cụ thể, hành vi làm nhục, vu khống là hành vi bị cấm và gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật; Xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm; Gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Cũng tại Luật An ninh mạng 2018, Điều 36 nêu rõ, bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về an ninh mạng. Do đó, khi gặp trường hợp bị vu khống trên facebook, người dân cần phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.
“Nếu xác định và có bằng chứng biết rõ người đứng đằng sau tài khoản facebook vu khống mình, người bị vu khống có thể viết đơn tố cáo, khiếu nại gửi đến cơ quan có chức năng để được giải quyết. Nếu người vu khống dùng nick ảo, người bị vu khống có thể tố giác, báo tin tội phạm … đến cơ quan công an. Bằng nghiệp vụ của mình, cơ quan công an chắc chắn sẽ nhanh chóng tìm ra danh tính và thông tin của người phạm tội”, luật sư cho hay.
Luật sư cũng phân tích thêm, trong trường hợp tài khoản là chính chủ, không phải tài khoản ảo nhưng chủ tài khoản không thừa nhận, hoặc chối bỏ trách nhiệm, nạn nhân luôn nhớ cần phải chụp lại màn hình máy tính, điện thoại lưu giữ thông tin bị bôi nhọ, đường link làm cơ sở trình báo.
Cùng với đó có thể khéo léo khiến họ thừa nhận hành vi của mình bằng cách ghi âm lại cuộc điện thoại, cuộc nói chuyện. Cơ quan điều tra có nghĩa vụ xác minh làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi để xử lý theo quy định pháp luật.
Vi bằng là gì?
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết).
Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng. Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định.