Chồng tôi bằng tuổi tôi, vẫn còn rất ham chơi. Ngoài giờ đi làm, anh mải mê với các thú vui của mình như: Chơi game, đá bóng nên hầu như việc nấu ăn, nội trợ, chăm con đều đến tay tôi. Chưa kể, do đặc thù công việc nên tôi phải thường xuyên trực đêm, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và kèm con học bài.
Con gái tôi học lớp 3, cháu thường xuyên bị cô giáo phản ánh là học kém, không tập trung học hành, hay nói chuyện trong giờ học và ít làm bài tập về nhà. Bởi vậy, tôi đã trò chuyện với con nhiều lần và yêu cầu con học bài nghiêm chỉnh, con nghe xong “vâng, dạ” rồi lại đâu vào đấy.
Qua những buổi kèm con học, tôi nhận thấy, dù tôi đã nghiêm khắc dùng tới “kỷ luật thép” (dùng đòn roi) với con nhưng con vẫn chống đối và ngang bướng vô cùng. Biểu hiện, trong học con vẫn lấy cớ: “Mẹ ơi, con đau bụng quá, con muốn đi vệ sinh”, “Mẹ ơi, tự dưng con thấy đói quá, con giun nó đang đòi ăn”, “Mẹ ơi, con buồn ngủ lắm”,… để “trì hoãn” việc làm bài tập, trốn tránh những câu hỏi của mẹ. Cứ thế những buổi học của hai mẹ con tôi luôn trong tình trạng căng thẳng, có nhiều hôm chỉ có tiếng mẹ quát nạt và con khóc vì mè nheo.
Mới đây, tôi nhờ ông bà sang trông cháu học bài để tôi đi làm, nhưng bé lại tinh ranh khi lừa dối ông bà là không có bài tập về nhà. Bé đưa ra lý do vì sắp nghỉ hè nên thầy cô tạo điều kiện cho nghỉ. Phần vì chiều cháu, phần vì không đặt nặng chuyện học hành nên ông bà không sát sao với việc học của cháu. Mới đây, cô giáo lại gặp tôi và nói “như tát nước vào mặt” về tình hình học tập của con gái.
Tình trạng này cứ kéo dài và bào mòn dần sự kiên nhẫn của tôi. Tôi thực sự thấy bế tắc và không biết phải giải quyết như nào (Hải Yến, 27 tuổi, Hà Nội).
Chuyên gia tâm lý Minh Anh tư vấn:
Chào Hải Yến! Qua những dòng tâm sự tôi phần nào hiểu được những khó khăn bạn đang phải đối mặt. Quả thực, việc kèm con học bài là vấn đề vô cùng nan giải của nhiều ông bố bà mẹ hiện tại. Đôi khi sự hờ hững, thiếu quan tâm từ các bậc cha mẹ đã vô tình khiến con cái trở nên lười biếng, chán học.
Trong tình huống này, theo tôi bạn nên có một buổi nói chuyện nghiêm túc, thẳng thắn với chồng mình. Chồng của bạn cần phải có trách nhiệm chia sẻ công việc với bạn, nhất là trong chuyện học hành của con. Bạn cũng nên bàn bạc, trao đổi với bố mẹ chồng về tình trạng học tập của bé để ông bà biết sự thật và hỗ trợ bạn tích cực hơn.
Thêm vào đó, hãy dành chút thời gian tìm hiểu lý do vì sao con không thích học, cháu đang thiếu tự tin vì nghĩ mình kém cỏi hay cháu đang dựa dẫm vào mẹ? Ngoài ra, bạn nên theo dõi xem con có năng khiếu học môn học nào thì hãy khuyến khích và dành nhiều lời khen để động viên con. Hãy tâm sự và giải thích cho con biết tại sao lại cần phải học và học đem lại điều gì cho con.
Nếu thấy con bị điểm kém, bạn không nên rầy la ầm ĩ mà hãy bình tĩnh tìm hiểu kỹ nguyên nhân tại sao để có hướng khắc phục. Bên cạnh đó, hãy nói không với việc dùng “kỷ luật thép” (dùng đòn roi dạy trẻ), bởi lẽ cách dạy này chỉ khiến bé tuân theo mệnh lệnh chứ không phải do nhận thức được nhiệm vụ hoặc do hứng thú, như vậy không phát huy hết khả năng tự lập, sáng tạo của trẻ.
Tóm lại trẻ em lười học không phải là do bản chất mà chính là do phương pháp dạy dỗ và điều kiện học chứa nhiều yếu tố không phù hợp. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm một cách hợp lý để trẻ không sợ học và có hứng thú với việc học hơn nữa. Chúc chị thành công!
Thanh Bình (Ghi)