Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất).
Theo đó, không chỉ tình cảm, các mối quan hệ giữa vợ chồng và con thay đổi, gây nhiều tranh cãi mà việc tách khẩu hay nhập khẩu của “người ra đi” cũng là một vấn đề phức tạp.
Theo quy định tại điều 25 của Luật cư trú thì thực hiện việc tách hộ khẩu phải có sự động ý của chủ hộ.
Thực tế, việc tách khẩu khi ly hôn nhiều khi được người còn lại tạo điều kiện và thực hiện một cách nhanh chóng, thuận lợi. Nhưng không thiếu trường hợp bị gây khó khăn, cản trở: Không cho chữ ký đồng ý của chủ hộ, không cho mượn sổ hộ khẩu…
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Nghị định số 35/2014 của Bộ Công an, chủ hộ phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết công việc theo quy định.
Nếu cố tình gây khó khăn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu cá nhân, chủ hộ gia đình có hành vi cản trở, không cho người trong sổ hộ khẩu thực hiện các quy định về đăng ký thường trú, tạm trú hoặc điều chỉnh thay đổi sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng (khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013).
Lúc này, sau khi ly hôn, nếu đã dùng các biện pháp hợp pháp mà người vợ vẫn bị gây khó khăn thì có thể nhờ đến sự giúp đỡ của cơ quan công an có thẩm quyền. Khi đó, người cản trở có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Về thủ tục tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.
Theo đó, người vợ thực hiện thủ tục tách khẩu tại:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu.
Sau đó, người vợ đăng ký thường trú tại nơi ở mới, hồ sơ gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
- Bản khai nhân khẩu.
- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Nếu nơi chuyển đi và chuyển đến nằm trong cùng một xã, phường, thị trấn hoặc cùng một quận, huyện, thị xã thì không cần có giấy chuyển hộ khẩu.
Hoàng Mai