PV: Mới đây, đại diện sở TN&MT Hà Nội thông tin sẽ không cấp sổ đỏ cho khách hàng khi mua nhà tại những dự án sai phạm mà cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh báo. Ông nghĩ sao về điều này?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Ý kiến của đại diện sở TN&MT đưa ra là đúng. Với những dự án đã được phát hiện sai phạm, yêu cầu dừng lại và đã thông báo cụ thể nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục bán hàng hóa bất động sản ra thị trường là trái quy định. Khi đó, xét về lý là người dân đã nắm được thông tin mà vẫn mua thì trách nhiệm thuộc chủ đầu tư và người dân.
PV: Nhưng thưa ông, việc dự án bị phát hiện sai phạm nếu không được thông tin một cách minh bạch thì người dân làm sao "bắt trúng tim đen" của chủ đầu tư?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Đúng là thực tế ở Việt Nam có những đặc thù riêng. Ví dụ, một dự án sai phạm đã được cơ quan quản lý thông tin thì câu chuyện đặt ra ở đây là người dân được tiếp cận thông tin như thế nào.
Thông tin đưa ra công chúng bằng cách nào, đưa ra tại cuộc họp, thông báo với báo chí hay được niêm yết tại các trụ sở ủy ban nhân dân phường, xã. Điều này cần phải xem xét thêm cho minh bạch, chi tiết.
Nếu cơ quan chức năng công bố thì phải cụ thể. Ví dụ, một dự án có sai phạm và đang bị xử lý, cơ quan quản lý cần có khuyến cáo “đề nghị người dân không mua nhà ở dự án này”. Nếu chỉ thông tin dự án này đang sai phạm và bị xử lý thì người dân cũng không biết được sai phạm đến mức không được mua hay sai phạm còn có thể khắc phục được.
PV: Thực tế có rất nhiều dự án sai phạm nhưng cơ quan quản lý lại xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”. Cách xử lý sai phạm như vậy chẳng khác nào “đẩy khó” cho người dân, thưa ông?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Đúng là thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai như: xây trái phép, vượt phép, chưa đủ điều kiện bán bất động sản ra thị trường, thậm chí, rất nhiều dự án mua bán nhà trên giấy… Những sai phạm này gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Như vậy, chúng ta phải đưa ra những giải pháp thận trọng mới giải quyết được vấn đề.
Câu chuyện không đơn giản như chúng ta nghĩ bởi thực tế có những dự án chủ đầu tư cố tình “lách luật”. Bằng chứng là hiện nay chúng ta quản lý chưa tốt việc bán hàng của các chủ đầu tư, việc xử lý sai phạm cũng chỉ là “phạt cho tồn tại” không rõ ràng thì cuối cùng thiệt thòi cũng thuộc về người dân. Bởi chủ đầu tư sẽ không chịu thiệt, họ tìm mọi cách nâng giá để bù vào lỗi vi phạm.
PV: Theo ông, đâu là giải pháp để người dân không vướng phải những giao dịch rủi ro?
GS.TS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, thông tin được cho là đưa đến dân thì chỉ có thể là niêm yết tại các phường, xã. Nếu chỉ cung cấp cho báo chí hay cuộc họp thì nhiều người dân nghèo cũng không thể tiếp cận theo kênh này. Chúng ta cần xem xét cụ thể trong điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam và các địa phương, gắn với các phương thức đưa thông tin ra công chúng.
Để cải thiện tình hình này, theo tôi cần đưa ra quy định, khi chủ đầu tư dự án bắt đầu bán hàng phải có ý kiến của cơ quan quản lý tại địa phương “dán tem” thì mới được bán hàng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS!
H.Lan- Đ.Thơm