Chia sẻ tại Tọa đàm “Đột phá để thu hút đầu tư vào ngành điện” sáng 20/8, ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam), đại diện doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện đã có những đề xuất về việc điều chỉnh giá nhiên liệu đầu vào.
Ông Tuấn cho biết, việc vận hành của các nhà máy điện than thì nguyên liệu đầu vào chiếm đến 70-80%, cho nên việc thay đổi nguồn nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến giá bán.
Đề cập về cơ chế mua bán điện, ông Tuấn cho rằng lộ trình Chính phủ cũng đã có bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, để giải quyết được trong bối cảnh cũng như nhu cầu hiện tại, cần rất nhiều cơ chế và sự tham gia của nhiều ngành. Đặc biệt là hệ thống hành lang pháp lý để các đơn vị, tổ chức lớn có thể mua trực tiếp từ các nhà máy.
Đồng thời, việc đầu tư thêm các hệ thống dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo cũng rất quan trọng. "Đó là những gì sẽ ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến hệ thống điện Việt Nam", ông Tuấn nói.
Chia sẻ về cơ cấu giá điện, ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngành điện phải cải cách cả quy trình đầu tư để phát triển dự án điện. Quy trình, thủ tục về tham gia bán buôn, bán lẻ điện… giảm đi, rõ ràng sẽ tạo cơ hội để giảm giá.
"Phải thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn. Như vậy, cùng với hệ thống, cần tìm mọi cách để có giá điện tốt nhất với phương hướng tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất", ông Hiếu nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã đánh giá là chính sách năng lượng của chúng ta còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh những bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện: "Chính Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu cái mới, tức là chúng ta phải chấm dứt bù chéo trong giá điện và việc này chúng tôi cũng đang đề nghị đưa vào Luật Điện lực mới, phải luật hóa yêu cầu này".
Theo ông Thoả, chính sách giá điện vẫn còn lẫn lộn, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Vị chuyên gia cũng đề cập thêm: "Người ta đếm ra ở Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá,... Do đó, phải xóa bỏ để hướng đến tính thị trường nhiều hơn".
Thanh Loan