Tuy nhiên, để có thể xử lý được hành vi quấy rối tình dục, trước tiên, các nhà lập pháp cần phải xác định rõ khái niệm "quấy rối tình dục" là gì". Đó là nhận định của Thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất (trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm) xung quanh việc xử phạt hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất.
Theo ý kiến của ông cần phải làm rõ về khái niệm "quấy rối tình dục" trong nghị định này?
Cá nhân tôi cho rằng, cần phải giải thích rõ, chi tiết về khái niệm "quấy rối tình dục", những hành vi nào bị coi là "quấy rối tình dục", những ai có thể bị coi là đối tượng của sự quấy rối, những ai có thể trở thành đối tượng quấy rối. Chừng nào khái niệm này chưa được làm rõ thì các quy định xử lý hành vi quấy rối tình dục khó có tính khả thi và chỉ mang tính hình thức.
Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục thường có nguy cơ xảy ra cao hơn tại các môi trường như nơi làm việc, nơi khám chữa bệnh, các cơ sở đào tạo và một số địa điểm công cộng khác, nhưng nếu đã thống nhất rằng hành vi quấy rối tình dục cần phải bị xử lý thì khi hành vi này xảy ra ở bất cứ đâu cũng đều cần phải có chế tài để áp dụng.
Ở Việt Nam, hành vi này đã từng được xem xét như thế nào, thưa ông?
Tại nước ta, theo chúng tôi được biết, mới có quy định cấm quấy rối tình dục hai lĩnh vực, đó là lĩnh vực khám chữa bệnh và lao động. Từ năm 2005, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có quy định hành vi "lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh" sẽ bị xử phạt từ 2 đến 5 triệu đồng (Điều 27.2(h)- Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế). Quy định trên đã được thay thế bởi Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về khám, chữa bệnh (Điều 5.2(d)) nhưng mức phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng vẫn được giữ nguyên). Mặc dù đã có quy định như vậy, nhưng cả Nghị định 45/2005/NĐ-CP và Nghị định 96/2011/NĐ-CP cũng chưa chỉ rõ thế nào là quấy rối tình dục.
Luật sư Phạm Văn Phất.
Nhiều năm trong nghề, ông đã từng biết đến trường hợp nào bị xử lý về hành vi quấy rối tình dục trong hai lĩnh vực đã có quy định?
Từ khi có quy định xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục trong lĩnh vực y tế đến nay đã trên 8 năm, nhưng chúng tôi chưa biết đến trường hợp nào bị xử phạt về hành vi này được ghi nhận và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này chắc chắn không phải do không có hành vi quấy rối tình dục nào được thực hiện trong lĩnh vực y tế từ năm 2005 đến nay, mà chúng ta chỉ có thể giải thích được bằng một hoặc các lý do như sau: Thứ nhất, khái niệm "quấy rối tình dục" trong các văn bản này chưa được làm rõ là bao gồm các hành vi gì, nó khác với hành vi "lạm dụng tình dục" ra sao...; Thứ hai, đại đa số người dân còn chưa biết đến sự tồn tại của quy định này để mà yêu cầu xử lý; Thứ ba, kể cả khi người dân có biết đến quy định này, thì họ cũng không biết thủ tục yêu cầu xử lý thế nào, yêu cầu ai, ai có thẩm quyền xử lý, làm thế nào chứng minh được với người có thẩm quyền là họ bị quấy rối và còn nhiều lý do khác nữa.
Trở lại quy định xử phạt hành vi quấy rối tình dục trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Lao động 2011 có quy định cấm hành vi quấy rối tình dục (khoản 2 Điều 8), nhưng một lần nữa, khái niệm này cũng chưa được làm rõ. Chúng tôi cũng đồng ý rằng, việc quy định cấm hành vi này là cần thiết nhưng để quy định của pháp luật có tính khả thi và giải quyết được đòi hỏi của xã hội, cần tránh xu hướng quy định hình thức, quy định cho có.
Nói như vậy, việc xử phạt hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc khó có thể thực hiện được, thưa ông?
Trong khi khái niệm "quấy rối tình dục" chưa được pháp luật Việt Nam chỉ rõ, chúng ta vẫn có thể thống nhất với nhau rằng hành vi này thường diễn ra ở những nơi, trong hoàn cảnh mà chỉ có người quấy rối và người bị quấy rối và biểu hiện ở rất nhiều dạng hành vi khác nhau, do đó việc thu thập bằng chứng để chứng minh hành vi này không hề đơn giản. Nói như vậy, không có nghĩa là không bao giờ có thể xử lý được hành vi này. Chính vì đặc điểm đó, để đảm bảo tính khả thi và thống nhất trong quan điểm xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục, cần tránh việc mỗi lĩnh vực lại giải thích hành vi này một cách khác nhau, một mức xử phạt khác nhau, Nhà nước cần dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học, cân nhắc ban hành một văn bản quy định thống nhất về việc xử lý hành vi quấy rối tình dục, bất kể nó xảy ra với ai và ở đâu, nếu không, người dân sẽ hiểu rằng, Nhà nước chỉ cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi khám, chữa bệnh và nơi làm việc, còn tại các nơi khác, hành vi đó không bị cấm.
Ông đánh giá sao về mức phạt cao nhất với hành vi này là 75 triệu đồng?
Liên quan đến mức xử phạt được đề xuất tại Điều 10 Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, chưa nói đến việc mức phạt từ 50 đến 75 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là cao hay thấp, nhưng nếu so sánh với mức phạt từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi "lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh" thì chúng quá khác xa nhau. Nếu được thông qua thì nó sẽ phản ánh quan điểm không nhất quán, khá "ngẫu hứng" của Nhà nước đối với một dạng hành vi vi phạm pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Cấp Chủ tịch tỉnh mới đủ thẩm quyền xử phạt! Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, những người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo mức trên 50 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục như nêu tại Dự thảo, phải là Chủ tịch UBND tỉnh, hoặc Cục trưởng, Chánh thanh tra bộ LĐ-TB&XH. Về thủ tục xử lý vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, trong đó bao gồm biên bản vi phạm hành chính (Điều 57.2 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Ngoại trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, thì việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc không hề đơn giản vì theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, biên bản vi phạm phải được lập bởi người có thẩm quyền (trong lĩnh vực quản lý lao động) đang thi hành công vụ khi họ phát hiện hành vi vi phạm. |
Lan - Thơm (Thực hiện)