Hầu hết là do gia đình thiếu cảnh giác
Nhiều năm làm công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn TP. Hà Nội, bà Bạch Thị Phương Nguyệt - Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Hà Nội vẫn không khỏi xót xa, cám cảnh cho những bé gái bị đánh mất tuổi thơ.
Ảnh minh họa.
Mỗi năm, Trung tâm của bà đã giúp cho rất nhiều bé gái đòi lại danh dự, nhân phẩm và đưa những tên yêu râu xanh ra trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đặc biệt phải kể đến là vụ án Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) chém chết cháu M.K (4 tuổi 1 tháng) bằng 12 nhát dao và sau đó hiếp dâm chị gái của cháu là T.H (7 tuổi 19 tháng) ngay tại nhà riêng của hai cháu ở thị xã Sơn Tây, gây rúng động dư luận Hà Nội mấy tháng qua. Mặc dù tên Hoài đã bị tuyên án tử hình, nhưng tội lỗi mà hắn gây ra có lẽ sẽ khó có thể xóa nhòa trong tâm trí nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con gái nhỏ tuổi.
Trong vụ án xâm hại tình dục trẻ em đẫm máu này, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Hà Nội đã cử luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Theo bà Nguyệt, bố mẹ của hai cháu gái xấu số trên đã thiếu cảnh giác (để hai con gái còn nhỏ ở nhà mà không khóa cửa cẩn thận), tạo cơ hội thuận lợi cho tên Hoài ra tay tàn độc. "Khi tôi hỏi vì sao lại để hai con gái ở nhà một mình như vậy, người bố trả lời: Cả làng em làm như vậy" - Bà Nguyệt nhớ lại.
Để hạn chế các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyệt cho rằng đây là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường. Trẻ em cần được trang bị kiến thức về giới tính và cách phòng tránh xâm hại tình dục.
Những câu hỏi khó cho cơ quan tố tụng
Tham gia bảo vệ nhiều cháu bé bị xâm hại tình dục trong các vụ án hiếp dâm trẻ em, luật gia P.T (xin được giấu tên)- công tác tại Trung tâm Tư vấn pháp luật Thăng Long thuộc Hội Luật gia Việt Nam gặp khá nhiều trắc trở từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, trong nhiều vụ án hình sự bà tham gia, quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại chưa được bảo vệ triệt để.
Tâm sự với PV, luật gia P.T bức xúc: "Tâm tư, nguyện vọng của các bé gái bị xâm hại tình dục cũng như gia đình đều muốn gặp luật sư để chia sẻ và giúp đỡ. Thế nhưng, không ít vụ án cơ quan điều tra chỉ cho luật sư tiếp xúc với bị hại theo kiểu chiếu lệ, tiếp cận rất nhạt nhòa nên luật sư không hiểu mức độ xâm hại tình dục đến đâu. Nói cách khác, cuộc gặp này chỉ là chiếu lệ, mang tính hình thức theo kiểu hợp thức hóa. Khi một bé gái bị xâm hại tình dục, nếu gia đình có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội sẽ cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đó. Nói nôm na luật sư chỉ định sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại ngay từ ban đầu của vụ án.
Chính vì vậy, họ nắm rất vững tâm tư, nguyện vọng của bị hại cũng như các tình tiết pháp lý của vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Thế nhưng, khi ra đến tòa, đôi khi tòa lại thay đổi luật sư chỉ định. Luật sư chỉ định mới thường không đủ thời gian để tìm hiểu sâu các tình tiết của vụ án, do vậy khi bảo vệ bị hại trước công đường thường chỉ qua quýt, mang tính chiếu lệ. Hệ quả là quyền lợi của bị hại chưa được bảo vệ triệt để. Kéo theo đó là chiều hướng của vụ án có khi thay đổi, gây bức xúc cho gia đình bị hại.
Để dẫn chứng cho lời mình nói, bà P.T dẫn ra một vụ án hiếp dâm trẻ em tập thể mới xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội mà mình trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại (cháu gái 15 tuổi bị hiếp dâm). Điều đáng nói, một trong những kẻ hiếp dâm đã bị nhiễm HIV. Ban đầu cơ quan điều tra có gọi bị hại lên lấy lời khai, nhưng không hiểu vì lý do gì, đến khi ra công đường xét xử, không thấy bị hại có mặt (mất liên lạc). Trước đó, luật sư cũng không được thấy mặt thân chủ của mình lần nào. Khi luật sư P.T yêu cầu bị cáo phải bồi thường danh dự cho bị hại và đưa bị hại đi xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV hay không? Ngay lập tức một vị trong HĐXX lên tiếng phản đối yêu cầu của luật sư, vì cho rằng bị hại không có yêu cầu, luật sư đề nghị làm gì!? Kể đến đây, bà P.T lắc đầu ngao ngán.
Luật sư Phạm Xuân Anh.
Phải xử nặng "yêu râu xanh"
Khi còn đương chức Chánh án TAND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ông Phạm Xuân Anh rất quan tâm đến các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Có thể nói, trong 34 năm làm trong ngành Tòa án, trong đó 23 năm làm Chánh án TAND huyện Lạng Giang, ông Xuân Anh đã biết đến rất nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em thương tâm. Cho đến khi nghỉ hưu và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang, luật gia Phạm Xuân Anh vẫn không thể quên được vụ án bố đẻ hiếp dâm hai cô con gái (13 và 15 tuổi) xảy ra cách đây hơn 10 năm gây chấn động dư luận tỉnh Bắc Giang trong một thời gian dài. Người bố mất tính người trong vụ án này là một gã nông dân quê mùa, cục cằn, thô lỗ.
Vì gia đình quá nghèo khổ, người vợ phải đi làm xa nhà hàng tháng trời (làm ô sin), kiếm tiền nuôi chồng và hai cô con gái. Lợi dụng lúc vợ không có nhà, người bố mất nhân tính đã quan hệ với đứa con gái đầu 15 tuổi trong một thời gian dài. Sau đó hắn nhẫn tâm hại đời luôn đứa con thứ hai lúc đó mới 13 tuổi. Bị bố xâm hại tình dục đến lần thứ ba, cháu bé 13 tuổi đã kể hết cho mẹ và cậu biết. Không còn con đường nào khác, người vợ phải làm đơn tố cáo chồng lên cơ quan công an. Kết quả người chồng mất hết tính người phải nhận mức án tù chung thân. Theo luật gia Xuân Anh, mặc dù Tòa xử đúng người, đúng tội, nhưng mức án này còn quá nhẹ so với hành vi xâm hại sức khỏe trẻ em, đi ngược lại thuần phong mỹ tục người Việt Nam của bị cáo trong vụ án này.
Nhìn nhận nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em xảy ra trong thời gian qua, luật gia Xuân Anh cho rằng những kẻ phạm tội không còn nhân cách con người, kéo theo đó là một bộ phận xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù pháp luật hình sự rất nghiêm minh, nhưng tôi cảm thấy hình phạt vẫn chưa đủ sức giáo dục, răn đe. "Ai đời một kẻ trưởng thành hiếp dâm cháu bé 9 tháng tuổi (con của hàng xóm nhờ trông hộ) mà chỉ bị xử mười mấy năm tù?!. Như vậy là quá nhẹ!" - luật gia Xuân Anh bức xúc.
Theo ông Xuân Anh, tuyên truyền biện pháp phòng ngừa, giáo dục ý thức bảo vệ trẻ em và tăng khung hình phạt cho nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em chính là giải pháp hữu hiệu hạn chế sự phát triển của loại tội phạm này. Thực tế đã cho thấy, có không ít kẻ phạm tội hiếp dâm trẻ em, bị án tù nhẹ, ngay sau khi ra tù lại tái phạm hiếp dâm với mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia pháp lý khi được hỏi cũng đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang.
Có quá nhiều điều day dứt lương tri Nói về suy nghĩ của mình khi tham gia vào các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, luật gia P.T thừa nhận trong lòng có nhiều day dứt, suy tư. Bởi các em gái bị xâm hại tình dục thường bị ám ảnh, mặc cảm, sống khép mình, không còn tự nhiên như trước nữa. Có cháu phải mang thai khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Mới đây, một cháu gái ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội bị xâm hại tình dục phải đi nạo thai. Do cơ quan y tế nạo thai sót, bé gái phải nhập viện nạo thai lần thứ hai trong tình trạng sốt cao. Hậu quả bây giờ chưa lường hết được, nếu không cẩn thận, sau này cháu bé có thể bị vô sinh. Không hiếm trường hợp bé gái bị xâm hại tình dục biến đổi tâm tính, sống buông thả và trở thành gái mại dâm chuyên nghiệp. |
Thiên Long