Báo Người Đưa Tin đã có những bài viết phản ánh, nhiều người dân ở Hải Hậu (Nam Định) tố cáo phạm nhân Phạm Văn Bảo (SN 1989), trú tại Đội 7, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu (Nam Định), đang thụ án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) có hành vi dùng facebook, điện thoại điều hành nhóm xã hội đen tại địa phương và đe doạ cuộc sống họ...
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Trương Anh Tú, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 16 về Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam của Luật Thi hành án hình sự 2010 có chỉ rõ Trại giam là cơ quan thi hành án phạt tù có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. Còn giám thị trại giam có những nhiệm vụ, quyền hạn như tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trại giam theo quy định….
Việc để phạm nhân dùng điện thoại, facebook sử dụng vào bất cứ mục đích gì cũng vi phạm quy chế về trại giam. Cần phải điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan trong vụ việc này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trương Anh Tú, cũng phân tích, khi phát hiện phạm nhân đưa đồ vật cấm vào trại giam, cán bộ có trách nhiệm của trại giam phải lập biên bản, ghi lời khai phạm nhân vi phạm và người làm chứng. Trong biên bản phải mô tả đúng thực trạng số lượng, trọng lượng, chủng loại, hình dáng, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác của vật cấm; đồng thời, niêm phong đồ vật cấm (đối với đồ vật cần niêm phong).
Xét về trách nhiệm của cán bộ quản lý Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) trong vụ việc để phạm nhân sử dụng điện thoại, Facebook, đối chiếu với các quy định trên thì việc những người giám sát Trại giam Xuân Hà quản lý lỏng lẻo để cho các phạm nhân mang điện thoại di động đã vi phạm quy định về trách nhiệm quản lý phạm nhân trong trại giam và có thể bị xử lý kỷ luật.
Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật đối với những cá nhân, tập thể để xảy ra vụ việc trên, nhất là các cán bộ trực tiếp quản lý trại giam Xuân Hà.
“Về nguyên tắc, trại giam là nơi cải tạo, giáo dục người phạm tội để họ có thời gian nhận thức, ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình. Đây cũng là nơi giáo dục đạo đức, văn hóa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người phạm tội. Vì vậy, không nên biến nơi đây thành nơi chứa chấp, dung túng, phát sinh tội phạm” – luật sư Tú nhấn mạnh.
Xét về hành vi sử dụng điện thoại di động của phạm nhân Bảo trong trại giam để truy cập mạng và móc nối với các đối tượng bên ngoài có hành vi vi phạm pháp luật đã vi phạm quy định về cấm sử dụng các thiết bị như điện thoại di động trong trại giam (quy định về quản lý trại giam) và sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định về quản lý trại giam.
Cũng trong buổi làm việc này, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, công tác quản lý trại giam cần phải được rà soát lại về qui trình và bồi dưỡng về nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về tầm quan trọng, vị trí của công tác quản lý, giam giữ phạm nhân.
Đồng thơi xác định được tâm thế của một người cán bộ, chiến sỹ trên lĩnh vực thi hành án phạt tù cần nắm vững được các quy định của pháp luật cũng như quy trình, nguyên tắc của công tác quản lý, giam giữ phạm nhân; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ có biểu hiện sa sút về phẩm chất, đạo đức trong công tác quản lý phạm nhân ở trại giam.
(còn nữa)
PVĐT