Luật gia Giang Văn Quyết, thuộc thành hội luật gia Hà Nội trả lời:
Tội Chứa mại dâm được quy định tại điều 254 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, thì tội Chứa mại dâm là hành vi cho thuê, cho mướn địa điểm hoặc tạo các điều kiện vật chất khác cho hoạt động mại dâm; bố trí người canh gác bảo vệ cho hoạt động mại dâm; nhận gái mại dâm là người làm thuê, là nhân viên để che mắt nhà chức trách và cho hoạt động bán dâm; cho gái bán dâm hoạt động ở nơi kinh doanh của mình để trục lợi.
Trương Duy Hoàng ở Khánh Hòa, mới bị xử phạt về tội Chứa mại dâm.
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm thì: “ Hành vi chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.”. Theo Công văn số 105/2003/KHXX ngày 18/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về việc áp dụng Điều 254 BLHS năm 1999 thì: “Cho thuê, cho mượn địa điểm, phương tiện để hoạt động mại dâm” quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh PCMD là hành vi của tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản mà cho thuê, cho mượn để hoạt động mại dâm”.
Theo quy định tại mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 thì: “Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm thì người đó chỉ phải chịu TNHS về “tội chứa mại dâm”.
Hành vi môi giới mại dâm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Trong tội Chứa mại dâm chủ thể có ý thức lựa chọn xử sự gây thiệt hại cho xã hội trong khi có đủ điều kiện không thực hiện hành vi đó. Người chứa mại dâm, môi giới mại dâm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, bị luật hình sự cấm, nhận thức rõ tính chất xâm phạm đến trật tự công cộng nhưng vẫn tìm mọi cách thực hiện.
Như vậy, căn cứ vào những quy định pháp luật trên trong trường hợp mà bạn hỏi khi bạn về quê và có cho người khác mượn phòng và người này đưa gái về hoạt động mại dâm thì bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không sẽ phụ thuộc vào nhận thức, ý chí của bạn. Trường hợp bạn biết rõ người này sử dụng phòng của mình để hoạt động mại dâm mà bạn vẫn không ngăn cản hoặc tạo điều kiện cho họ thì hành vi đó là phạm tội. Trong trường hợp bạn không biết hoặc không thể biết là họ sử dụng phòng mình hoạt động mại dâm thì bạn sẽ không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Ở đây cũng cần lưu ý, khi cho mượn phòng bạn cũng phải yêu cầu bên mượn sử dụng phòng đúng mục đích và phải đảm bảo các quy định về pháp luật không chỉ đối với việc bài trừ tệ nạn mại dâm mà còn cả với những hoạt động khác như sử dụng ma túy hay gây mất trật tự công cộng.
Điều 254. Tội chứa mại dâm 1. Người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Cưỡng bức mại dâm; c) Phạm tội nhiều lần ; d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ một năm đến năm năm. |
Băng Tâm