Quả bom thứ nhất được đặt trong thùng rác và phát nổ vào lúc 14h50 tạo ra cột khói lớn giữa đám đông người cổ vũ ngay ở phố Boylston sát quảng trường Cople. 13 giây sau một quả bom khác phát nổ cách đó gần trăm mét. Một số vận động viên khi nghe thấy hai vụ nổ liên tiếp đã bỏ chạy bán sống bán chết khỏi đường đua.
Theo hãng tin AFP, hơn 23.000 người đã tham gia cuộc thi marathon Boston và 17.600 người đã về đích khi vụ tấn công diễn ra. Hai quả bom nổ trong thời gian ngắn khiến ít nhất hai người chết ngay tại chỗ, trong đó có một cậu bé 8 tuổi, 134 người khác bị thương, trong đó có tám người đang trong tình trạng nguy kịch và 14 người bị thương nặng, ít nhất 8 trong số các nạn nhân là trẻ em.
Vụ nổ đã tạo ra một khung cảnh hỗn loạn tại khu vực Copley ở Boston, cửa sổ nhiều toà nhà xung quanh vỡ vụn, máu vương vãi khắp nơi, khói bốc lên nghi ngút từ hiện trường vụ đánh bom. Tiếng kêu khóc và sự kinh hoàng bao trùm toàn bộ khu vực. Các lực lượng an ninh và y tế đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và đưa các nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời công tác truy tìm kẻ đánh bom cũng được tiến hành lập tức. Theo nhận định chuyên môn, hai quả bom đều nhỏ, không chứa chất nổ C-4 hoặc các chất nổ cao cấp khác, nhiều khả năng đây là hai quả bom tự chế sử dụng vật liệu thô. Một trong hai quả bom được chế tạo từ nồi áp suất và được kích nổ theo thiết bị hẹn giờ.
Theo báo Boston Globe, nhà chức trách đã sơ tán hai khách sạn Marriott và Lenox gần hiện trường vụ án để đề phòng nguy cơ mới. Tại khu vực xảy ra hai vụ nổ, cảnh sát phát hiện rất nhiều túi đồ vứt trên đường có vẻ khả nghi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức tuyên bố với toàn thể dân chúng về quyết tâm sẽ đưa hung thủ ra đối diện với công lý, nước Mỹ cũng sẽ tăng cường an ninh trên toàn quốc nhằm đề phòng nguy cơ khủng bố tiếp tục tấn công.
Bước sang ngày 16/4, các bác sĩ cho biết nạn nhân dính thương tích trong vụ nổ bom là vì bị trúng những viên bi, mảnh bom và nhiều vật nhọn. Cục điều tra Liên bang (FBI) cho biết không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm và các nhà điều tra tiến hành xem xét một loạt nghi phạm. Ngày 17/4, nhà chức trách đã bác bỏ thông tin bắt được một số cá nhân có liên quan đến vụ đánh bom nhưng cảnh sát cũng cho hay họ có những bức ảnh của một nghi phạm từ camera giám sát tại hiện trường và ảnh chụp được gần vạch đích vào thời điểm quả bom phát nổ.
Ba ngày sau khi vụ việc diễn ra, Tổng thống Obama tuyên thề sẽ truy tìm không ngừng nghỉ kẻ đã giết hại các nạn nhân trong vụ khủng bố này. Ngày 18/4, FBI công bố những bức ảnh và video của hai nghi phạm liên quan đến vụ tấn công và đề nghị người dân giúp đỡ nhận dạng các nghi phạm. Tối cùng ngày, một cảnh sát tại Viện đại học Công nghệ Massachusetts ở ngoại ô Boston bị bắn chết trong khuôn viên của trường sau cuộc đọ súng với các nghi phạm đang chạy trốn, một cảnh sát khác bị thương trong vụ việc.
Sau khi 2 quả bom bị phát nổ ở đích đường đua marathon Boston, cảnh tang thương và căng thẳng bao trùm.
Bước sang ngày 19/4, một trong hai nghi phạm đánh bom ở Boston bị cảnh sát tiêu diệt trong cuộc đọ súng ở Watertown. Nghi phạm được nhận dạng là Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, có gốc gác Chechnya. Một cuộc truy lùng gắt gao được mở ra để tìm kiếm nghi phạm thứ hai của vụ án là Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, em trai của Tamerlan. Boston trở thành thành phố ma khi mọi hoạt động công cộng bị đình trệ.
Tối thứ sáu theo giờ địa phương, cảnh sát Boston chính thức thông báo bắt được nghi phạm thứ hai của vụ đánh bom tại khu nhà của hai kẻ tình nghi ở ngoại ô Boston. "Bắt được nghi phạm! - cuộc săn đuổi đã kết thúc, việc tìm kiếm đã hoàn thành, khủng bố chấm dứt và công lý đã chiến thắng", tài khoản Twitter chính thức của cảnh sát thành phố Boston viết. Dzhokhar bị phát hiện khi đang ẩn náu trong một con thuyền ở phía sau nhà của một người dân thị trấn trong tình trạng bị thương nặng bởi các vết thương ở cổ, đầu, chân và tay. Sau khi được điều trị và cấp cứu, Dzhokhar đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và có thể trả lời cảnh sát bằng cách viết. Y thừa nhận hành vi nổ bom làm chết và bị thương nhiều người của hai anh em được thực hiện vì lý do tôn giáo.
Tới ngày 22/4, bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố Dzhokhar Tsarnaev chính thức bị buộc tội sử dụng và âm mưu sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt để giết người và phá hoại tài sản, phá huỷ tài sản bằng thuốc nổ dẫn đến chết người. Nếu bị kết án, Dzhokhar sẽ phải ngồi tù trong một thời gian rất dài, thậm chí bị tử hình. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố: "Bất cứ kẻ nào tấn công người Mỹ vô tội và mưu đồ khủng bố các thành phố của chúng ta sẽ không trốn thoát khỏi công lý". Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ không liệt Dzhokhar Tsarnaev vào diện "phiến quân thù địch". Phiên điều trần đầu tiên tại toà sẽ diễn ra vào ngày 30/5.
Luật ta: Phạm tội khủng bố, anh em nhà Tsarnaev khó tránh án tử
Vụ án đánh bom kinh hoàng tại thành phố Boston khiến ba người chết và 134 người bị thương được xem như nỗi đau lớn nhất của người Mỹ sau khi vụ án khủng bố vào toà tháp đôi 11/9/2001. Vụ án một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh, trật tự ở đất nước được xem như điểm đến của tự do. Hàng triệu người dân trên toàn cầu nín thở theo dõi từng diễn biến của vụ án.
Theo luật pháp Mỹ, tội danh mà anh em nhà Tsanaev phải nhận là: "Sử dụng và âm mưu sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt để giết người và phá hoại tài sản, phá huỷ tài sản bằng thuốc nổ dẫn đến chết người". Mức án mà Dzhokhar Tsarnaev, kẻ còn sống sót trong vụ án này phải nhận có thể lên đến tử hình.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng, ông Jay Carney cho biết nghi phạm này sẽ không bị coi là kẻ địch của nước Mỹ, y sẽ được xét xử bằng các hệ thống tư pháp của nước Mỹ. Ý kiến khác lại cho rằng y nên bị coi giống như những tù nhân của cuộc chiến chống khủng bố đang bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo Bay, nếu như vậy y sẽ bị đem ra xét xử ở toà án binh.
Vụ việc này là một vụ án nghiêm trọng, có sự ảnh hưởng lớn tới an nguy xã hội, gây tâm lý xáo trộn, bất an trong dân chúng. Luật pháp Mỹ cũng đã có khung hình phạt rõ ràng với mức án rõ ràng không thể nhẹ đối với những tên tội phạm khủng bố nguy hiểm.
Nếu đối chiếu luật pháp Việt Nam vào vụ án này, hai anh em nhà Tsarnaev khó tránh khỏi tội danh khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định ở Điều 84 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 1, Điều 84 quy định: "Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Ba người chết, 134 người bị thương trong đó có cả trẻ em là nạn nhân của vụ khủng bố, điều này thể hiện tính trầm trọng của vụ án. Mặt khác, có thể thấy đây là một vụ khủng bố có sự chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của người dân và của Nhà nước cho nên các nghi can phải chịu nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 BLHS.
Cả hai anh em Tsarnaev đều thực hiện vụ khủng bố trong tình trạng tỉnh táo, hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình. Các kết quả kiểm tra từ phía bác sỹ cũng cho biết sau khi tỉnh lại, người em Dzhokhar tuy bị thương nặng nhưng hoàn toàn nhận biết được những việc xung quanh và theo dõi cũng chưa từng thấy có tiền sử bệnh án tâm thần cho nên cả hai tên khủng bố này không thể có bất kỳ lý do nào biện hộ cho hành vi của mình. Cả hai đối tượng đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, Tamerlan đã chết, người em Dzhokhar còn sống sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp về hành vi khủng bố của mình. Tổng hợp các điểm kể trên, Dzhokhar Tsarnaev khó tránh khỏi mức án cao nhất là tử hình.
Hón Thỵ