Vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức
Theo kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì sau khi biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho Vũ Tiến Sơn tổ chức, chỉ đạo phân công Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng “tẩu thoát” thành công sang Camphuchia. Dương Tự Trọng có ý định đưa anh trai nhập cảnh vào Mỹ, nhưng chưa thực hiện được thì tất cả bị bắt.
Đọc thêm>> Dương Chí Dũng bị tuyên tử hình, chuyên gia pháp lý nói gì?
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu. Hành vi phạm tội của các bị can được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như dùng sim rác, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che dấu hành vi phạm tội.
Cáo trạng kết luận hành vi của các bị can xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Đồng thời đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam.
Ông Dương Tự Trọng (trái) và anh trai Dương Chí Dũng.
Điều ít biết về ông Dương Tự Trọng
Ông Dương Tự Trọng chính là em trai ruột ông Dương Chí Dũng và là con trai thứ hai trong một gia đình có 5 người con. Ông Dương Tự Trọng sinh ra ở Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Dương Tự Trọng gia nhập lực lượng công an và công tác, cống hiến tại công an TP Hải Phòng, khởi đầu từ một cán bộ công an phường ở quận Lê Chân.
Nhiều người biết đến ông Dương Tự Trọng với hình ảnh một cán bộ cảnh sát hình sự giỏi nghề. Thời gian làm trưởng phòng Cảnh sát Hình sự rồi sau đó là phó giám đốc Công an Hải Phòng, ông Dương Tự Trọng từng trực tiếp chỉ đạo nhiều chuyên án lớn, triệt phá các băng ổ nhóm giang hồ cộm cán đất Cảng.
Ông Dương Tự Trọng có hai người con, vợ ông cũng là cán bộ công an TP Hải Phòng.
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong quá trình điều tra bị can Dương Tự Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Nhưng căn cứ tài liệu, chứng cứ và các lời khai của bị can khác, Viện Kiểm sát có đủ cơ sở, căn cứ xác định hành vi phạm tội của ông Dương Tự Trọng.
Vì người anh ruột thịt mà vi phạm pháp luật
Vì muốn giúp người anh ruột là Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, ông Dương Tự Trọng đã bất chấp vi phạm pháp luật, cùng với thuộc cấp của mình, tổ chức cho người anh “tẩu thoát” sau khi có lệnh khởi tố, bắt tạm giam Dương Chí Dũng.
Trao đổi với phóng viên Nguoiduatin.vn luật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh cho biết: “Dương Tự Trọng bị truy tố về Tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, theo quy định tại khoản 3, Điều 275, Bộ luật hình sự có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù giam. Theo nhận định của VKSND tối cao thì hành vi phạm tội của Dương Tự Trọng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm cản trở hoạt động điều tra vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại Vinalines".
Nói về những tình tiết liên quan đến nhân thân của ông Trọng, luật sư Hương nhận định: “Ông Dương Tự Trọng từng giữ chức vụ phó giám đốc Công an TP Hải Phòng và phó cục trưởng cục Cảnh sát QLHC về TTXH nên có thể được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ: "Người phạm tội có thành tích xuất sắc trong công tác, đồng thời gia đình ông Dương Tự Trọng cũng là gia đình có công với cách mạng, có nhiều công lao với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ngược lại cũng như Dương Chí Dũng, ông Dương Tự Trọng không chịu nhận tội, không thành khẩn khai báo, đây lại là tình tiết có thể khiến bị can không được giảm nhẹ hình phạt".
“Xét về góc độ tâm lý, tình cảm thì hành động phạm tội của ông Dương Tự Trọng có thể hiểu và cảm thông được, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, ông Dương Tự Trọng là người thực thi, am hiểu pháp luật thì lại cần phải xử lý nghiêm minh đối với hành vi này để răn đe”, luật sư Hương phân tích.
Trích Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 Điều 275. Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép 1. Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. |
Xem thêm một vài hình ảnh về phiên xét xử Dương Chí Dũng
Tạ Giang