Điều 69 - Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) - CHXHCN Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Vai trò của nó thật sự to lớn. Không phải tất cả mọi quyết định chính sách của nhà nước đều đúng đắn, đi vào lòng dân, được nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Đời sống xã hội là 1 bài toán và nhiệm vụ của pháp luật là phải giải được bài toán đó.
Trong công việc này, sẽ có những hạn chế, sai sót mà nhà làm luật đã tiên liệu từ trước nhưng vẫn không tránh khỏi bởi đời sống xã hội vận động không ngừng và pháp luật luôn luôn luôn cố gắng đi song hành cùng với sự vận động ấy. Nhưng trong 1 công việc đòi hỏi thời gian và độ chính xác cao thì những văn bản pháp luật đưa ra luôn luôn chỉ mang tính tương đối. Và như vậy, những người chịu thiệt thòi lại chính là nhân dân.
Phản biện xã hội thực chất đó là tiếng nói chủ quyền của nhân dân đối với nhà nước, tức là sự đối thoại, biện luận, thẩm định, của các lực lượng xã hội xã hội đối với những chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật…liên quan và ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của các thành viên trong xã hội. Từ đó phản biện xã hội sẽ giúp cho những nhà hoạch định chính sách có được những điều chỉnh, chuyển đổi trong đường lối của mình phù hợp với ý chí của đại đa số nhân dân.
Ảnh minh họa.
Phản biện xã hội, ở đó không có chỗ cho những lời khen, những ngôn từ ca tụng và hoa mỹ mà chỉ có những lời chê bai, phản bác. Nhưng ai chê?; chê cái gì?; chê như thế nào?; chê nhằm mục đích gì?… những điều đó đã làm nổi bật nên vai trò của phản biện xã hội. Không nên quan niệm phản biện xã hội mang ý nghĩa tiêu cực bởi vì nó chỉ có chê bai mà nó phải mang ý nghĩa tích cực. Cuộc sống luôn luôn tồn tại hai mặt đối lập, mâu thuẫn nhau nhưng chính chúng lại bổ sung cho nhau. Phản biện không phải là hạ thấp giá trị của sự vật, hiện tương mà là chỉ ra những điểm chưa tốt, những điểm chưa hoàn thiện để cùng nhau phát triển. Đó mới là mục tiêu cốt lõi của phản biện xã hội.
Như vậy, có thể thấy rằng, đối tượng mà phản biện xã hội hướng đến là các chính sách, quyết định, chỉ đạo của Đảng và nhà nước. Những quyết sách này được nhân dân thực hiện, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và tình hình đất nước. Phản biện xã hội đưa ra một cái nhìn khác của cộng đồng, một cái nhìn đa chiều và khách quan hơn.
Bởi chính họ là những người thực hiện và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những chính sách ấy. Và khi chính sách có những sai sót và hạn chế mà nhà làm luật chưa kịp nhận ra, nhân dân buộc phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Đồng thời việc làm đó giúp nhà làm luật nhận ra những hạn chế của các quyết sách và đưa ra biện pháp nhằm hoàn thiện chúng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bên cạnh việc giúp nhà làm luật hoàn thiện các văn bản pháp luật thì chính nhân dân đang thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước thông qua phản biện xã hội.
ảnh minh họa
Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thông qua phản biện xã hội, nhân dân được nâng cao trách nhiệm xã hội của công dân, chất lượng phản biện xã hội đi cùng với sự phát triển trình độ dân trí. Đồng thời hình thành nên những công dân năng động trong một xã hội hiện đại. Qua hoạt động phản biện xã hội, người dân càng thể hiện rõ vai trò làm chủ đất nước của mình qua hình thức “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Khi đất nước ngày một phát triển, càng đòi hỏi sự chung sức chung lòng từ nhân dân để đưa con tàu Việt Nam ra hội nhập với thế giới. Nhưng trên hành trình ấy có rất nhiều cam go, thử thách đòi hỏi những người chèo lái con tàu phải có nhưng quyết sách đúng đắn để đoàn kết khối sức mạnh toàn dân, nhưng làm thế nào để đoàn kết khối sức mạnh to lớn ấy thì quả là một việc không đơn giản. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.
Nguyễn Văn Đại - Lê Văn Mạnh (Khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội)