Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia nên ứng phó dịch đậu mùa khỉ với mục tiêu ngăn chặn virus lây truyền từ người sang người.
Giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, những người cao tuổi hoặc trẻ em hoặc bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, tỉ lệ mắc bệnh trong đợt bùng phát hiện nay dường như cao hơn ở nam giới, đặc biệt là những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mối quan tâm không chỉ nên giới hạn ở người dễ mắc bệnh. Theo Học viện Da liễu Mỹ, người từng tiếp xúc gần với nguồn lây cũng có thể mắc đậu mùa khỉ. Cụ thể, quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus cũng có thể là nguồn lây cho người khác.
Đậu mùa khỉ có các triệu chứng lâm sàng của nhiễm trùng toàn thân như sốt, đau đầu, đau nhức cơ kéo dài 1-10 ngày, trung bình khoảng 5-7 ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ phát ban ngoài da. Các nốt phát ban này tiến triển thành mụn nước và chuyển sang mụn mủ, song có thể bị nhầm lẫn với một số loại bệnh ngoài da khác.
Vì vậy, các chuyên gia đã chỉ ra đặc điểm cụ thể của đậu mùa khỉ trên da.
Mụn mủ có mẩn đỏ xung quanh
Biểu hiện đặc trưng của bệnh đậu mùa khỉ là các tổn thương giống như mụn nhọt. Đầu tiên, người bệnh sẽ phát ban ngoài da. Sau đó, vết phát ban tiến triển thành mụn mủ, mụn nước và cuối cùng đóng vẩy.
Theo Viện Da liễu Mỹ, phát ban có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, kể cả mặt và tứ chi. Các nốt đậu mùa khỉ ở giai đoạn đầu có thể giống với mụn mủ với mẩn đỏ xung quanh.
Ngoài ra, người bệnh còn bị phát ban đỏ ở bộ phận sinh dục hoặc bẹn. Phát ban cũng có thể giống với "vết sưng tấy dưới da, có mẩn đỏ kèm theo".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh đậu mùa khỉ kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Mọi người có thể lây nhiễm cho đến khi vết phát ban lành hoàn toàn, cơ thể hình thành lớp da mới.
Phát ban kèm sưng hạch bạch huyết
Đặc điểm khác để phân biệt đậu mùa khỉ với bệnh do virus khác là tình trạng sưng tấy hạch bạch huyết, gây đau đớn.
Các hạch bạch huyết trở nên lớn hơn, thường là vào thời điểm bệnh nhân bị sốt. Hạch nổi vài ngày trước khi xuất hiện triệu chứng phát ban.
Tiến sĩ Christine Ko, Khoa Da liễu tại Đại học Yale, cho biết: “Vùng bẹn hoặc bộ phận sinh dục bị sưng đỏ kèm cảm giác đau. Đó chính là các hạch bạch huyết, có thể liên quan đến đậu mùa khỉ, đặc biệt là khi bệnh nhân có thêm triệu chứng đau trực tràng”.
Vết phát ban đầu tiên xuất hiện ở nhiều bộ phận
Theo các mô tả ban đầu, nhiều bệnh nhân phát hiện bị đậu mùa khỉ từ một vết phát ban ở vùng bẹn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây là loại virus lây lan toàn thân. Các triệu chứng ngoài da có thể biểu hiện ở bất cứ đâu, kể cả mắt.
"Nếu bạn nổi mụn nước, đặc biệt là mụn nước căng bóng hoặc mụn mủ và chúng lan ra toàn thân, hãy đi khám vì có thể bạn đã nhiễm đậu mùa khỉ", Tiến sĩ Ko cho biết,
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã chỉ ra một số tình trạng dễ nhầm lẫn với đậu mùa khỉ.
-Hiện tượng chốc lở: Đây là bệnh nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn, kèm mụn nước đóng vảy bên trên. Tiếp theo là tình trạng nhiễm nấm, khiến da phồng rộp. Nhiễm nấm thường gây ra các phát ban có vảy màu hồng, đôi khi khiến da phồng rộp.
-Bệnh giang mai cũng dễ nhầm lẫn với đậu mùa khỉ, bởi các vết phát ban có hình dạng khá giống.
-Các loại bệnh từ virus khác như herpes, varicella (virus thủy đậu), bệnh tay chân miệng đều là những loại bệnh phổ biến có vết phát ban giống với đậu mùa khỉ.
Trước đó, ngày 23/7, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ - hiện đã ảnh hưởng đến hơn 16.000 người tại hơn 72 quốc gia - là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng.
May mắn, thế giới đã có một loại vắc-xin hiệu quả - được phát triển cho bệnh đậu mùa - nay được phê duyệt để phòng ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ. Tuy nhiên, loại vắc-xin này hiện không dễ tìm, ở cả những nước có nền y học phát triển như Mỹ, Anh…
Phản ứng cần thiết đối với bệnh đậu mùa khỉ là nỗ lực tiêm chủng mạnh mẽ, trước tiên là ở những người nguy cơ cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ và cơ hội tiếp cận vắc-xin. Cần có thông điệp và giáo dục rõ ràng để nâng cao nhận thức về các triệu chứng và xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ những người muốn cách ly và cần nghỉ làm.
Theo các chuyên gia, chỉ khuyến cáo mọi người không nên quan hệ tình dục sẽ không mang lại hiệu quả. Sẽ hiệu quả hơn nếu chỉ ra cách giảm thiểu rủi ro và bảo vệ bản thân.
Câu chuyện ở đây không phải là phong tỏa hay giãn cách xã hội, mà là giám sát, xét nghiệm, hỗ trợ tự cách ly, thông báo rõ ràng, tiếp cận với các nhóm có nguy cơ cao nhất và quan trọng nhất là tiêm chủng có mục tiêu.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Zing)