Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách Tập tục đời người (của tác giả, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng) với sự tham gia của diễn giả, tác giả, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng; nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử (viện Nghiên cứu Tôn giáo) và TS. Mai Anh Tuấn.
Buổi tọa đàm xoay quanh các nội dung mà cuốn sách đề cập. Tác phẩm bàn về người Việt, cụ thể là người Kinh, người nông dân Việt Nam trong thế kỷ 19 - 20. Đây là thời kỳ có những thay đổi sâu sắc về xã hội, con người.
Trong đó, người nông dân làng xã di chuyển về những khu đô thị, những thói quen tập tục cũ "va đập" vào cách thức, lối đi mới. Tác giả lý giải nguồn gốc của các tập tục, các tập tục diễn biến thế nào, cách tập tục mới hình thành thay đổi cái cũ ra sao...
"Bây giờ, mặc comple suốt ngày là bình thường, nhưng mặc áo the khăn xếp suốt ngày mới là không bình thường. Rõ ràng, bản sắc văn hóa cũng phải thay đổi. Những nội hàm con người trong hình thức mới phải giữ được cốt cách. Vấn đề này cần sự chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa của tất cả mọi người”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.