Những chú chim bị cầm tù
Lâu nay, tại ngã tư đường Hùng Vương - Huỳnh Thúc Kháng có một điểm chuyên bán chim rừng. Có đủ loại chim quý từ vàng anh, họa mi, khướu đầu bạc, cà cưỡng cho đến sáo sậu được bán với giá từ 200 - 400 ngàn đồng /con, hoặc có thể tới cả chục triệu đồng tùy loại. Số chim này được bẫy từ nhiều cánh rừng của miền Tây xứ Quảng, hay tận trên Tây Nguyên mang xuống như lời giới thiệu của những nguời bán chim tại đây.
Những xe chim tại ngã tư Hùng Vương - Huỳnh Thúc Kháng
Chúng tôi đến một cửa hàng bán chim nhỏ ở đường Bạch Đằng. Chưa kịp bước chân vào trong, nghe tiếng động cơ nổ nên lũ chim đã kêu xao xác, vỗ cánh phạch phạch... Bên trong ngôi nhà rộng chừng 60m2, treo lủng lẳng khắp mọi nơi tới hơn 70 lồng chim đủ các loại. Chủ cửa hàng từng là một tay săn chim thiện nghệ ở vùng Đức Cơ (Gia Lai) giới thiệu tỉ mỉ từng giống, loài, cả những đặc tính riêng biệt của mỗi chú chim.
Thấy một chú khướu có vẻ đẹp theo cách nhìn của những người chẳng biết gì về chim của chúng tôi, anh ta liến thoắng: "Con khướu đó bữa trước có người trả 8 triệu mà tôi chưa đồng ý! Tôi giữ giá đúng 10 triệu! Nó hót khá hay đấy! Nếu anh em thích tôi bớt cho năm trăm!. Rồi anh huýt sáo nho nhỏ kích thích chú khướu cùng hót để quảng cáo với khách.
Dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng những lồng chim khác, anh ta giới thiệu: "Loại rẻ nhất thì giá từ 50 đến 100 ngàn đồng một con. Chào mào má đỏ, lông mượt nuôi từ nhỏ đã biết hót thì 200 đến 300 ngàn đồng. Còn chích chòe bán 120 ngàn một con... Anh em mua về chơi hoặc làm quà cho bạn bè, người thân cũng đều thú vị cả...".
Chỉ chú nhồng đang bị nhốt trong chiếc lồng nhỏ, anh chủ cho biết khi mua nó chưa mở mắt với giá gần 1 triệu đồng, giờ nó đã được hơn 2 tuổi và nói được một số câu giống tiếng người, giá không dưới 7 triệu. Chú nhồng thấy người lạ vỗ cánh đập loạn xạ, mấy chiếc lồng măng mới mọc rụng lả tả. Khi thấy tôi đưa máy ảnh lên định chụp, anh chủ cửa hàng vội xua tay giải thích: "Anh em thích thì mua giúp một con về chơi, chứ đùng chụp ảnh lỡ mấy ông chức năng biết thì em chẳng còn đất mà làm ăn nữa!".
Chúng tôi tiếp tục đi dọc các con đường Hùng Vương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Duy Tân để mục kích những điểm bán chim di động. Tại ngã tư Hùng Vuơng - Trưng Nữ Vương, những người bán chim chiếm cứ một góc giữa con lươn, đàng hoàng bày bán những chú chim rừng dưới bóng cây. Mỗi lần xe máy chạy qua, những chú chim bé dại lại tung cánh bay loạn xạ, có nhiều con rụng hết cả lông mà vẫn không thoát khỏi được chiếc lồng chật hẹp. Chúng tôi hỏi một nữ chủ chim về con khướu, chị ta hồ hởi khoe: "Nó hót hay lắm! Mua đi tôi bán rẻ cho! rồi chị ta cất tiếng sao miệng. đáp lại lời chị, chú khướu hơi ngóc đầu lên rồi chậm rãi bước về phía chiếc hộp đựng thức ăn tổng hợp.
Làm sao cho chim trở về rừng?
Điều đáng băn khoăn là những con đường trên đều rất đông phương tiện qua lại, hay nằm ngay trước cơ quan công sở của tỉnh Quảng Nam, nhưng những người buôn bán động vật hoang dã này không hề bị lực lượng chức năng xử lý. Khi được hỏi, một chủ bán chim trên đường Phan Bội Châu cho biết: "Mình mua bán nhỏ và chủ yếu là chim rẻ tiền nên mấy ông không ngó tới. ở đây còn có nhiều nhà tù chim lớn với nhiều loài đẹp, quí hiếm, đắt tiền nhưng có thấy ai nhắc nhở gì đâu!. Liệu có thể nói các cơ quan chức năng ở đây đã bó tay với việc buôn bán động vật hoang dã này chưa khi nhiều năm nay những người bán vẫn ngang nhiên và lượng chim rừng về phố ngày một nhiều.
Rời những trại tù giam chim rừng, chúng tôi đến nhà một anh bạn cũng có máu chơi chim trên đường Lê Lợi. Anh ngồi buồn so: "Nhìn lũ chim không thấy hót gì cả, cứ đứng ngơ ngẩn như nhớ rừng nhớ núi... mình thương quá không chịu được nên đã thả nó về với núi rừng rồi!. Thế đấy! Nhưng liệu những chú chim kia có được may mắn sống giữa đại ngàn, hay ngày một ngày hai lại dính bẫy, lại bị cầm tù giữa những chiếc lồng chật hẹp để người ta mua đi bán lại với nhau ngang nhiên như mớ rau giữa chợ. Và liệu mấy ai biết rằng những chú chim lồng đang bị cầm tù kia còn thích hót trong nỗi ngơ ngẩn nhớ tới rừng sâu.
Bùi Hữu Cường