Nỗ lực bảo vệ “kho vàng lộ thiên”
Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, được người dân cho biết, đã hàng trăm năm tuổi. Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, trước đó có 4 cây sưa, nhưng nhân dân đã chặt đi 2 cây chỉ còn để lại 2 cây làm cảnh.
Năm 2010, sau khi làm đình, nhân dân thôn Phụ Chính đã khai thác các cành khô để bán lấy tiền trang trải, phục vụ vào công trình trong thôn. Sau khi thống nhất mua bán, vừa bắt đầu vận chuyển gỗ cho người mua thì bị Công an huyện Chương Mỹ tiến hành bắt giữ số gỗ trên và phong tỏa tiền giao dịch trong tài khoản của người dân vào ngày 26/10/2010.
Năm 2015, huyện cùng Thành phố tổ chức buổi đấu giá bán số gỗ cây sưa nêu trên được 31 tỷ đồng và được chuyển về cho xã Hòa Chính để tu sửa các công trình phúc lợi công cộng trong thôn. Phần lớn số tiền được người dân dùng vào việc xây dựng, tu bổ đình chùa. Theo ông Nguyễn Xuân Ngợi - Chi hội trưởng Người cao tuổi, bước đầu xây dựng chùa hết 25 tỷ đồng và dùng hoàn toàn bằng tiền bán gỗ cây sưa đỏ.
Được biết, hồi đó đã bán khoảng 22 khối gỗ sưa đỏ, được 20,5 tỷ, gửi ngân hàng từ đó đến nay số tiền lên đến 35 tỷ đồng. Nay làm chùa bước đầu hết 25 tỷ ước tính còn khoảng 10 tỷ đồng.
Tháng 5/2018, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chính thức được công nhận quyền sử dụng số tiền bán đấu giá gỗ sưa.
Nguyện vọng của cộng đồng dân cư Phụ Chính hiện nay là trả lại gỗ cho người mua, mở tài khoản ngân hàng để họ được sử dụng số tiền. Theo ông Ngợi một người dân tại đây cho biết: “Chúng tôi tiêu bao nhiêu sẽ trả lại bấy nhiêu”.
Cũng theo ông Ngợi có thời điểm cây sưa đã được một đại gia trả giá 100 tỷ đồng: "Năm 2015, sau khi Thành phố bán đấu giá thu được 31 tỷ đồng đã có một người đến hỏi mua cây sưa với giá 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, không ai có quyền bán nó, cũng không biết sẽ bán như thế nào".
Một người dân sống gần chùa cho biết cây sưa không bán thì theo thời gian cũng già, việc trông giữ cây cũng gặp muôn vàn khó khăn: “Ai trong thôn này cũng muốn bán nhanh cây kẻo mục ruỗng rồi hỏng. Cây từ đời các cụ để lại cho con cháu, không bán đi cũng nơm nớp lo sợ bị trộm mất”.
Câu chuyện cây sưa quý trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc bị cưa trộm đã không còn quá xa lạ với người dân thôn Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội).
Ông Trần Thanh Tú (66 tuổi), BCH hội Người cao tuổi nhớ lại: “Tôi còn nhớ, đó là vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng 8 âm lịch, lợi dụng cơn bão trái mùa, khi cả làng đang yên giấc, kẻ gian đã ra tay cưa trộm ngang thân cây sưa quý trong sân chùa. Sáng hôm sau, phát hiện cảnh tượng ngổn ngang ấy đầu tiên chính là các cụ trong làng rủ nhau đi lễ. Lần ấy, trộm lấy đi 2 khúc gỗ lớn, tổng độ dài khoảng 2m30, đường kính khoảng 40cm. Chúng để lại phần ngọn đường kính nhỏ hơn với độ dài khoảng 3m”.
Sau sự kiện chấn động ấy, cả làng Phụ Chính thống nhất góp của góp công, mua dây thép gai và sắt về hàn rào bảo vệ cho gốc sưa thật chắc chắn. Các cụ cao tuổi trong làng cũng gợi ý thành lập một tổ bảo vệ, cắt cử trông nom gốc sưa hàng ngày.
Đã 5 năm, đều đặn mỗi tối, các thành viên của tổ bảo vệ cẩn thận trông giữ sự an toàn của cây sưa trong sân chùa, từ 10h đêm đến sáng hôm sau.
Ông Tú cho biết: “Đêm đến, chúng tôi phân chia nhau ngủ lại tại chùa hoặc nhà văn hóa. Không kể mưa gió, rét mướt, chúng tôi đều thường trực tại đây, toàn người “máu” nên chả nề hà, lo sợ gì. Kể từ hồi có tổ bảo vệ chúng tôi, chưa có thêm hiện tượng trộm cắp nào. Chỉ thỉnh thoảng không phải ca trực của tôi, khi đảo đi thăm một vòng vào sáng sớm, tôi có phát hiện vài đối tượng lạ khả nghi lượn lờ, dòm ngó”.
Xem thêm video: Cận cảnh cây sưa trăm tỷ
“Mật thất” cất giữ những khúc gỗ bạc tỷ
Theo ông Tú, từ sau khi UBND xã nhận lại số gỗ đã bán, nhiều lần ông và dân làng được phen “dở khóc dở cười”.
Cũng năm 2013, sau khi đội bảo vệ cắt gọn và thu dọn gỗ, hì hụi khuân trọn vẹn về nhà văn hóa, nhận được thông tin có dấu hiệu nguy hiểm, phải chuyển về trụ sở UBND xã cho yên tâm. Ngay trong đêm ấy, cả xã tập trung lực lượng, thuê xe công nông cùng vận chuyển gỗ. Tin đồn khi ấy khiến tổ đội bảo vệ nơm nớp lo sợ không vận chuyển ngay thì một là đêm sẽ bị bọn trộm càn quét, vơ vét sạch, hai là bị giết ngay trong đêm. Hai ngày sau, thấy an toàn nên dân làng lại tập trung vận chuyển toàn bộ số gỗ về nhà văn hóa xã, lưu trữ tới bây giờ.
Để đảm bảo an toàn cho khối tài sản lớn, toàn xã quyết định dựng một “mật thất” nhỏ cất giữ gỗ và niêm phong cẩn thận.
Theo lời ông Tú, hiện nay, toàn bộ số gỗ được giấu kín trong những bức tường gạch tại nhà văn hóa. Không chỉ khúc gỗ to, “mật thất” còn chứa mấy chục đoạn gỗ đủ kích thước. “Gom hết số gỗ trong đó bán cũng phải được 13 tỷ” - ông Tú khẳng định.
Trên bức tường gạch quây kín, lộ rõ một khoảng nhỏ mới trát, theo ông Tú, đó là dấu tích từ năm ngoái. Cụ thể, sau khi tháo dỡ chùa Vĩnh Phúc, có thu được một số thanh gỗ sưa quý, nên người dân tập trung đục một lỗ trên tường để đưa những thanh gỗ đó vào trong cất giữ.
Ông Tú cũng cho biết, hiện nay, nguyện vọng của người dân trong thôn là được bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi. Nguyện vọng này cũng đã được đề bạt lên xã từ lâu.
Ông Trần Ngọc Thông, Chánh văn phòng UBND huyện Chương Mỹ cho biết, UBND TP.Hà Nội đã có công văn chỉ đạo cho sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn UBND huyện và xã triển khai hoàn thành thủ tục theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cũng khẳng định, hiện nay chưa nhận được văn bản chính thức nào chỉ đạo việc bán đấu giá cây sưa. Cùng với đó, xã cũng liên tục nhận được đề đạt từ phía người dân Phụ Chính về vấn đề xin bán cây sưa trong sân chùa.
Ông Nguyễn Xuân Ngợi - Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Phú Hòa, Hòa Chính, Chương Mỹ cho biết: “Dự kiến, ngày 10/10/2018 sẽ có kết quả về việc giải quyết tồn tại liên quan đến việc mua bán gỗ sưa tại thôn Phú Hòa”.
Cũng theo ông Ngợi, cây sưa này từng được ví là “mỏ vàng lộ thiên” với giá “trên trời” nhưng nay cây sưa đang bị bào mòn chết dần, khiến cho người dân trong thôn không khỏi lo lắng vì “mỏ vàng” đó đang dần biến thành đống củi khô. "Người dân trong thôn đã làm đơn đề nghị chính quyền cho phép bán đấu giá cây sưa để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi trong xã, thôn, đặc biệt là chùa Phụ Chính hiện nay", ông Ngợi nói về kế hoạch của dân làng sau khi bán đi cây sưa quý giá này.
Hữu Thắng - Thủy Tiên