Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 108 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 -7%, lạm phát dưới 4,5% và thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, tạo nền tảng thuận lợi và giữ đà, giữ nhịp phát triển cho năm 2025.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay.
"Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều hành tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng", Nghị quyết nêu rõ.
Kiên quyết không để thiếu điện, thiếu xăng dầu
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện, thiếu xăng dầu trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy xuất khẩu hợp lý, hiệu quả; chỉ đạo không tăng giá lương thực, thực phẩm một cách bất hợp lý.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao rà soát, có giải pháp cụ thể thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa mạnh mẽ, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội...
Về hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc.
"Khẩn trương triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao 6 tháng cuối năm 2024", Nghị quyết nêu rõ.