Phận đời cơ cực
"Xóm chạy thận" là cái tên quen thuộc mà người dân phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt cho con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị. Nơi đây từ lâu đã thành chỗ lưu trú cho bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện ở Hà Nội. Hiện nay, bên trong "xóm chạy thận" này đang có 132 bệnh nhân bị suy thận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước tá túc.
Sự sống hàng ngày phải duy trì bằng thuốc và hỗ trợ của máy móc, song những bệnh nhân ở xóm chạy thận lại đang tiếp tục phải đối diện với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong căn phòng trọ rộng chưa đầy chục m2, bà Nguyễn Thị Sự (quê Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), đã có thâm niên 13 năm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, những người thường xuyên phải vào viện chạy thận như bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Không giống những người khác, bà Sự phải sang tận bệnh viện 354 để chạy thận. "Một tuần, 3 lần tôi phải đến bệnh viện Quân Y 354 để chạy thận. Trước kia thành phố chưa có dịch bệnh, dù ốm đau bệnh tật nhưng tôi di chuyển dễ dàng vì có xe buýt công cộng. Các phương tiện công cộng dừng hoạt động, ngay cả xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ cũng dừng hoạt động khiến việc vào viện chạy thận của tôi cực khổ hơn nhiều", bà Sự chia sẻ với Dân Trí.
Bà Sự cho biết thêm, những người chạy thận ở các bệnh viện xa như bà phải có giấy đi đường của bệnh viện cấp. Mỗi lần chạy thận bà phải gọi xe ôm, mà xe ôm cũng là những người cùng cảnh chạy thận nhưng còn trẻ, khỏe hơn. "Một tuần 3 lần đón đưa như vậy họ lấy mình 200 nghìn đồng, chúng tôi không dám gọi xe ôm ngoài, mà có gọi cũng không có người để mà gọi", bà Sự nói.
Câu chuyện của bà Lương Thị Huyền (quê Hải Dương) được PV Dân trí phản ánh ngày 13/8, bà sống trong "xóm chạy thận" này được nhiều năm cho biết, thời điểm Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa để dập dịch Covid-19 vào cuối tháng 3/2020. Khi đó, bệnh viện có xe đưa đón bệnh nhân như bà ra vào viện để chạy thận mỗi tuần. Tuy nhiên sau này, để giảm tải số lượng bệnh nhân chạy thận trong Bệnh viện Bạch Mai, họ đã chia bệnh nhân ra nhiều bệnh viện khác nhau.
Trước kia mỗi lần vào chạy thận trong Bệnh viện Bạch Mai bà Huyền có thể đi bộ nhưng từ khi chuyển xuống Bệnh viện Thanh Nhàn để chạy thận bà phải đi xe ôm, lại mất thêm chi phí đi lại. “Tôi có ý định tìm một phòng trọ dưới đó chuyển xuống ở cho gần nhưng không được, vì tiền phòng đắt đỏ với lại sống ở xóm chạy thận này quen rồi", bà Huyền cho biết.
Người dân trong xóm đều nhận thức được, bệnh nhân bị suy thận thuộc nhóm có nguy cơ tử vong hàng đầu nếu không may bị nhiễm Covid-19. Cũng vì thế họ tự ý thức thực hiện các biện pháp phòng dịch và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Nghẹn đắng khi nghĩ đến... tiền!
Tuy nhiên theo những người ở "xóm chạy thận", khó khăn nhất đối với họ trong lúc dịch bệnh bùng phát vẫn là tiền. Để có kinh phí chạy thận, họ phải tích cóp từng đồng, chi tiêu dè sẻn. Nhiều người còn phải kiếm thêm bằng cách gom vỏ chai, vỏ lon, giấy hộp để bán đồng nát.
Anh Mai Anh Tuấn (quê Ba Vì, Hà Nội) 46 tuổi đã có 26 năm phải chạy thận. Vì sống lâu trong xóm nên anh được người dân bầu làm trưởng "xóm chạy thận". Hàng ngày, ngoài việc mưu sinh kiếm tiền chạy thận, anh còn nắm bắt thông tin, là cầu nối của những người dân trong xóm với các tổ chức đoàn thể.
"Ở xóm này ai cũng có những nỗi khổ riêng, từ khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi rất khó khăn trong việc đi lại để chạy thận. Không thể về nhà, người thân cũng không thể lên thăm, thiếu thốn đủ thứ từ tình cảm đến kinh tế. Nhiều người trước đây vẫn tranh thủ chạy xe ôm, đánh giày kiếm thêm thu nhập trang trải tiền nhà, nhưng bây giờ tất cả mọi việc phải dừng lại”, anh Tuấn cho biết.
Những người sống ở xóm chạy thận Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Trước, cứ cuối tuần về thăm nhà 1 lần, giờ chẳng về được nữa", chị Phạm Thị Thanh (47 tuổi) thở dài.
Chín năm chạy thận nhưng chị Thanh mới chỉ chuyển đến đây sống được hơn 1 năm nay. Nhà cách xóm chạy thận hơn 40km, trước kia chị đi về bằng xe buýt nhưng dịch bệnh ập đến, thêm nữa mỗi lần chạy thận xong người như lả đi nên chị chọn phương án ở trọ.
Mong lắm sự chia sẻ, hỗ trợ
Ở xóm chạy thận Ngọc Hồi, người ta áng chừng cánh tay ai chằng chịt u cục thì đích thị "tuổi bệnh" lâu nhất. Có ông Hồng, ông Hải, chị Thúy được coi là “kỳ cựu” của xóm.
Theo ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ thời điểm cuối tháng 7, căn phòng lụp xụp chỉ đủ kê một chiếc giường con, một lối đi lại và vài ba đồ dùng cũ là nơi tá túc của chị Nguyễn Thị Thúy. 42 tuổi nhưng chị đã có 18 năm gắn bó ở xóm chạy thận.
Mấy tháng trước, trong một lần đạp xe đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chạy thận, chẳng may chị bị vấp phải gờ cao, ngã sõng soài. Cú ngã khiến chị bị gãy xương vùng khớp háng, phải nằm liệt giường. Người mẹ già đã ngoài 70 tuổi lặn lội từ Hưng Yên lên chăm nom con gái từ dạo đó.
Ngày trước dù tuổi cao sức yếu bà Tho (mẹ chị Thúy) vẫn xin làm thuê làm mướn kiếm thêm ít đồng góp cho con chữa bệnh. Nhưng nay, bà phải nghỉ việc lên Hà Nội chăm con. Tiền chạy thận có bảo hiểm chi trả, nhưng còn tiền trọ, tiền điện nước, tiền thuốc men, dịch bệnh như thế này chẳng ai thuê làm, gia đình bà không biết bấu víu vào đâu.
Những ngày giãn cách xã hội, họa hoằn lắm mới có vài ba nhà hảo tâm đến đây, phần vì người ta lo sợ dịch bệnh, phần nữa vì xóm chạy thận Ngọc Hồi nằm khá xa so với trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Thanh Hải (63 tuổi, có 18 năm chạy thận) cho biết trải qua 4 đợt dịch bệnh, ở xóm chạy thận ai cũng ái ngại, bởi họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vừa có bệnh nền vừa nghèo khó. Dịch bệnh, họ chịu tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần.
"Tự giác giác tha, mình giữ được an toàn cho mình là giữ được cho mọi người ở trong xóm", ông Hải nhắc đi nhắc lại thông điệp với các thành viên trong xóm, nhắc nhở mọi người chú ý giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch, tuân thủ đeo khẩu trang, đảm bảo 5K khi đi chạy thận.
Hai mẹ con chị Trương Thị Lê (44 tuổi) cùng phải chạy thận 3 buổi/tuần. Chị dặn dò con gái, mỗi lần chạy thận xong là về nhà ngay, không được bắt chuyện và sát giờ chạy thận mới vào viện chứ không đến sớm như trước nữa.
"Mới đầu nghe tin, mình cũng sợ chết, nhưng vì con mà chẳng sợ gì nữa. Vậy mà dịch bệnh, đâm ra lại sợ, sợ cách ly vì dịch hơn là sợ bệnh thận", chị Lê tâm sự với PV Tuổi trẻ ngày 27/7.
Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, những bệnh nhân đang sinh sống trong các "xóm chạy thận" vô cùng vất vả, khốn khó. Họ phải thuê trọ trong những phòng cũ nát, mỗi tháng tốn rất nhiều tiền để chạy thận.
Những phận nghèo trong xóm chạy thận nay lại gặp cái eo của mùa dịch bệnh. Họ mong chờ lắm sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội những nhà hảo tâm để cuộc sống vơi bớt nhọc nhằn, khốn khó.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Tuổi Trẻ)