Mỗi người chọn cho mình một lối di riêng. Lối đi ấy có sự thị phi, dè bửu, có khốn khổ, nghèo túng nhưng cho họ niềm hạnh phúc được làm mẹ. Từng ngày, hy vọng được nhen lên âm thầm, lặng lẽ nơi những mái nhà thiếu tiếng gọi người cha.
Trái đắng sau những cuộc tình sớm nở chóng tàn
Xóm trọ nhỏ ở phường Phú Lợi (Thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). 20 phòng trọ, tất cả đều sạch sẽ, gọn gàng ngay từ ngoài ngõ. Tiếng trẻ con nô đùa, khóc cười, làm cho không khí trở nên sôi động. Nơi đây, người lớn có, trẻ con có, mọi thứ đều đầy đủ để tạo thành một gia đình nhưng tất cả đều vắng bóng đàn ông.
Chị Liên (25 tuổi), quê Nghệ An, chia sẻ: "Thời con gái, chị thuộc hàng xinh gái nhất làng, nhiều chàng trai để ý theo đuổi nhưng đều bị chị từ chối. Chị đã trót nặng lòng với một chàng trai ở làng bên cạnh từ khi hai người còn học trung học phổ thông. Kết thúc quãng đời học sinh, Liên ở nhà phụ cha mẹ việc đồng áng còn người yêu cô lên đường nhập ngũ".
"Họ thề non hẹn ước ngày về sẽ làm đám cưới nhưng ngày về cứ xa mãi để lại cô gái ở nhà với những thay đổi khác thường trong cơ thể. Liên có thai, cô hốt hoảng thông báo cho người yêu biết. Chàng trai vì định kiến gia đình, xã hội đã chối bỏ đứa con trong bụng Liên. Liên không dám về lại gia đình, cô khăn gói vào Nam vừa làm thợ may vừa nuôi con. 5 năm trôi qua, cơn đau dường như được thời gian xoa dịu nhưng nhức nhối thì vẫn còn trong tim người mẹ này".
Chị Hương (quê Vĩnh Long) tâm sự, vì gia đình nghèo túng nên chị chẳng còn cách nào khác là phải tự bươn mình ra với sóng gió cuộc đời. Chị lên Bình Dương làm công nhân đến nay đã 12 năm. Tuổi xuân cũng vội vã qua mau theo vòng xoáy cuộc mưu sinh để lại sự nhỡ nhàng, ế ẩm.
Thế rồi vào một buổi, chị Hương dẫn về nhà một người đàn ông hơn chị 10 tuổi. Chị bảo đó là người đàn ông đã có vợ và 3 con nhưng cuộc sống vợ chồng đứt gánh giữa đường, ông bỏ lên Bình Dương và gặp chị. Hai tâm hồn cô đơn, đồng cảm đến với nhau tự nguyện. Sống chung được gần một năm, chị Hương mang thai sang tháng thứ 9 thì người chồng hờ dứt áo ra đi không lời từ biệt, bỏ lại chị một mình vừa ôm nỗi nhục vừa một thân vượt cạn và nuôi con.
Ở cái xóm nhỏ này có đến 20 cảnh đời mẹ góa con côi, không thể viết hết những chuyện tình cay đắng, éo le của họ. Mỗi lần đối mặt với những con người này, người ta sẽ thấy được trong ánh mắt họ nặng trĩu, chất chứa cả đống hờn tủi trong lòng.
Tin vào những đứa con
Trong xóm có đến hơn 20 đứa trẻ trong độ tuổi từ 1 - 18. Tất cả đều được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ bình thường khác. Bé Phương - Con chị Liên và bé Hải - Con chị Hương hiện đang học lớp lá, năm sau các bé sẽ vào lớp 1.
Chị Hương cho biết: "ở đây có khoảng gần chục bé trong độ tuổi đến trường. Khi bắt đầu vào năm học mới, chúng tôi sẽ cắt cử từng người luân phiên nhau đưa các bé đi học tập trung. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như không làm ảnh hưởng đến công việc mỗi người".
Những đứa trẻ hầu hết đều lấy họ mẹ, trong giấy khai sinh ô về bố để trống. "Khi lớn lên, chúng sẽ dần hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình. Các cháu sẽ không cảm thấy mặc cảm hay tự ti về bản thân mà vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng" - Chị Hương nói.
Chị Liên cho biết: "Xóm trọ này quy tụ những chị em có cùng cảnh ngộ nên rất dễ đồng cảm. Chúng tôi thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn. Chúng tôi sống nương tựa vào nhau tình cảm như chị em ruột thịt. Khi các con lớn lên, chúng sẽ lấy đó làm gương, sống như các mẹ chứ đừng làm như các mẹ".
Hoa Nguyên