Trả lời phỏng vấn với PV báo Người Đưa Tin, anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông của trung tâm ICS (tổ chức Thúc đẩy và bảo vệ quyền LGBT của Việt Nam) đã nhận định giới hạn của biểu diễn hài kịch và miệt thị chính là nhận thức của người biên kịch và biểu diễn.
“Nếu họ còn xem việc đem cơ thể, điểm khác biệt, giới tính, màu da... để đùa giỡn thì đó sẽ vẫn là vấn đề cần thay đổi”, anh Thảo cho biết.
Tường tận hơn về quá trình soạn thảo thư phản đối chương trình Táo quân 2018 của đài Truyền hình Việt Nam, anh Minh Thảo cho hay: “Chúng tôi đã xem chương trình từ thời điểm phát sóng và cũng đã nhận được rất nhiều những chia sẻ của cộng đồng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ là Tết thì không thích hợp nên sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết mới quyết định gửi thư phản hồi này”.
“Thật ra, một phần của phản ứng này đến từ cộng đồng LGBT. Mọi người bức xúc nhưng chưa lên tiếng được thì thư ngỏ mà iSEE và ICS gửi như cơ hội để các bạn bày tỏ thái độ của mình”, anh Thảo nói thêm.
Phân tích cụ thể, anh Minh Thảo cho rằng, hình ảnh Bắc Đẩu rõ rệt là người chuyển giới qua từng năm luôn là đề tài khai thác của các biên kịch. Từ các kiểu gây cười bằng hình thể của nhân vật Bắc Đẩu đến những câu bông đùa, trêu chọc của các nhân vật khác như Nam Tào, Ngọc Hoàng hay các Táo đều cho thấy đây là nhân vật được khai thác tối đa yếu tố đặc biệt về giới để gây cười.
“Tôi không thể nhớ hết tất cả những câu thoại của các tập Táo quân ở những năm trước, nhưng ấn tượng của tôi là mỗi lần nhân vật này xuất hiện thì đều là đề tài bàn tán về cách ăn mặc, trang điểm, làm lố trên sân khấu. Tuy vậy, phải đến năm nay, giọt nước mới tràn ly, khi nhân vật Bắc Đẩu liên tục bị trêu chọc, bêu rếu, tấn công về ngoại hình của mình”, anh Minh Thảo nhận xét.
Anh tiếp tục bộc bạch: “Nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ dần thấy những dạng gây cười bằng hình thức miệt thị về hình thể, xu hướng tính dục, bản dạng giới, sắc tộc, đặc điểm cá nhân... đang ngày một giảm đi ở hầu hết các nền văn hóa tiến bộ khác trên thế giới. Thay vào đó, tiếng cười sẽ được đầu tư để xoáy sâu vào những thói hư tật xấu, những điều chưa tốt của xã hội”.
“Không chỉ là giới và tính dục mà việc bạn mập, ốm, xấu, đẹp, khuyết tật, lạ lùng... cũng không nên đem vào làm trò cười cho bất kỳ ai. Có thể chúng ta từng vô tình bật cười vì những lời trêu đùa như vậy, nhưng nếu bạn hiểu đằng sau tiếng cười đó sẽ là những ám ảnh, sự tổn thương của rất nhiều người khác, tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ lại. Một xã hội nhân văn thì cách "hài hước" cũng nên được điều chỉnh để ngày càng nhân văn hơn, không đẩy ai lại phía sau”, vị Giám đốc truyền thông nêu quan điểm.
Từ đó, anh Thảo cho biết, khi viện Nghiên cứu iSEE và trung tâm ICS họp lại để phản hồi cho việc này, họ có 2 mục tiêu, ngoài việc gửi phản hồi đến VTV còn là chia sẻ thông điệp về người đồng tính đến xã hội.
“Chúng tôi đã gửi thư qua email chính thức của đài truyền hình Việt Nam và đăng tải lên facebook của viện nghiên cứu iSEE và trung tâm ICS để chia sẻ với cộng đồng, không chỉ là những thành viên LGBT mà còn là với những ai quan tâm đến sự công bằng của xã hội. Là một đối tác của VTV trong rất nhiều những hoạt động, chương trình, chúng tôi tin là đôi bên cùng muốn mang lại những lợi ích cho xã hội. Việc lên tiếng này từ iSEE và ICS đều với mục đích đóng góp tích cực đó và phản hồi lại từ phía VTV đôi khi có thể sẽ bằng sự thay đổi”, Giám đốc truyền thông trung tâm ICS lý giải.
Anh Huỳnh Minh Thảo kết luận: “Chúng tôi mong rằng, thông qua đợt dư luận lần này, những người làm nghệ thuật khác từ biên kịch, trình diễn, phim ảnh... cũng sẽ có những điều chỉnh tích cực hơn, vì một nền nghệ thuật văn minh hơn”.
Vừa qua, viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) vừa có thư ngỏ gửi đến đài truyền hình Việt Nam và ban biên tập chương trình "Gặp nhau cuối năm" để phản đối chương trình này.
Trong thư, viện iSEE và trung tâm ICS cho rằng trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng bị chương trình "Gặp nhau cuối năm" (Táo quân) mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại.
Đặc biệt trong chương trình Táo quân 2018, nhân vật Bắc Đẩu thậm chí còn bị nói là: "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa",...
Chính vì thế, viện iSEE và trung tâm ICS phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này.
Sự phản đối công khai bằng văn bản của các tổ chức bảo vệ người đồng tính đã thể hiện sự bức xúc của cộng đồng LGBT về chương trình Táo quân qua các năm đã trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt là khi giới tính của nhân vật Bắc Đẩu bị lấy ra làm cớ chọc cười qua năm nay có dấu hiệu đi quá giới hạn.
Thành lập năm 2008, ICS là tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Trong 10 năm qua, tổ chức này được dư luận biết tới khi nhiều lần lên tiếng và bày tỏ quan điểm trong các sự việc liên quan tới người đồng tính.
Hiện tại, đài Truyền hình Việt Nam và ê-kíp thực hiện Táo quân 2018 vẫn chưa phản hồi về sự việc.