Phân heo ngập suối Reo, hồ Trị An “chịu trận”
Suối Reo là con suối chảy qua địa bàn 5 xã, bắt đầu từ xã Quang Trung, điểm cuối lên đến xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và sau đó đổ trực tiếp xuống lòng hồ Trị An (khu dự trữ sinh quyển thế giới, cung cấp nước cho vùng Đông Nam Bộ).
Theo người dân địa phương, hơn 10 năm trước, suối Reo được xem là dòng suối sạch, có nước trong vắt và nhiều cá. Người dân địa phương thường ra suối để tắm và còn lấy nước về sử dụng.
Thời điểm này không chỉ người tại địa phương mà dân các vùng phụ cận trong tỉnh Đồng Nai cũng như TP.HCM, Lâm Đồng, Bình Thuận,… lâu lâu cũng ghé về suối Reo tham quan du lịch, thưởng ngoạn sự trong lành và vẻ đẹp hoang sơ của suối Reo. Nhiều người còn hi vọng suối Reo sớm trở thành điểm du lịch sinh thái với đầy đủ dịch vụ du lịch để mọi người dừng chân nghỉ dưỡng những dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều du khách đã sốc khi quay trở lại suối Reo để tắm suối. Họ đã không còn dám ngâm mình dưới dòng suối hoặc đứng gần suối quá lâu bởi làn nước trong lành đã bị thay thế bởi màu đen ngòm, ngập váng và phân heo ngập đầy suối, mùi hôi thối nồng nặc. Vì vậy nhiều năm nay đã không còn du khách tìm đến suối Reo để tham qua du lịch.
Để ghi nhận thực tế, phóng viên báo Người Đưa Tin đã trực tiếp đến suối Reo. Quanh khu vực suối có rất nhiều trang trại chăn nuôi heo. Các trang trại này thường xuyên xả thải từ tắm heo, phân heo trực tiếp xuống suối.
Toàn bộ bề mặt con suối là một lớp phân heo xếp lớp đen ngòm dày đặc. Đoạn nối với hồ Trị An, nước nổi bọt trắng và phân heo xếp lớp khiến nhiều người ớn lạnh vì mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất cho biết, trước đây nét đặc trưng của suối Reo là suối trong veo, đầy cá và lại gần khu vực thác của suối Reo thì nghe tiếng suối róc rác, thác đổ. Tuy nhiên từ khi suối bị phủ kín bởi phân heo thì mọi người không còn quan tâm suối heo đẹp hay xấu nữa. Nhiều người không còn muốn đến gần suối Reo vì mùi hôi thối bốc ra nồng nặc.
“Xưa nước trong bao nhiêu thì giờ nước đục, hôi và suối toàn phân heo. Cứ nghĩ đáng lẽ giờ phải thành suối du lịch rồi ai ngờ giờ lại thành nơi không ai thèm đến”, ông Tư nói.
Dân bức xúc
Bà Mai Thị Lựu, ngụ xã Gia Tân 1, gần khu vực hồ Trị An, cho biết: "Phân heo từ suối Reo ồ ạt xả xuống hồ Trị An đoạn bến cá Thánh Tâm khiến hồ Trị An bị ô nhiễm nghiêm trọng. Con suối đẹp đáng lẽ phải phát triển du lịch mạnh nhưng ai ngờ càng ngày càng tệ hại. Chỉ mong bà con chăn nuôi biết nghĩ vì môi trường mà cứu lấy suối”.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ xã Gia Tân 1.
Qua trao đổi ông Trần Quang Tuấn, Bí thư xã Gia Tân 1, cho biết, ông đã trực tiếp nhiều lần xuống suối Reo để khảo sát tình hình thực tế. Qua khảo sát ông nhận thấy việc xả thải xuống suối là hệ lụy từ các hộ chăn nuôi heo của nhiều xã trên địa bàn huyện Thống Nhất. Tuy nhiên do xã Gia Tân 1 nằm ở điểm cuối suối, lại là điểm tiếp nối với hồ Trị An nên nặng nề nhất.
Ông Tuấn cũng cho biết xã đang vận động bà con di dời trang trại heo về khu tập trung tuy nhiên do khó khăn nên đến nay việc di dời các hộ chăn nuôi cần có thời gian và lộ trình.
“Hiện chúng tôi liên tục vận động người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải ra lòng suối để trả lại nguồn nước sạch vốn có của suối Reo”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo đại diện phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thống Nhất thì đến thời điểm này huyện đã có kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan di dời 10 trang trại gần suối ra xa dòng suối, thường xuyên kiểm tra, không để các trang trại xả thải trực tiếp ra môi trường, đồng thời tiến hành nạo vét lòng suối thông thoáng.
Cũng theo vị đại diện này, đến nay đang tiến hành nạo vét suối Reo để khơi thông dòng suối, cải tạo suối, hạn chế ô nhiễm.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được:
Nguyễn Nhâm