Sau khi báo điện tử Người Đưa Tin đăng tải loạt bài thâm nhập, điều tra độc quyền “Bán trứng xuyên biên giới” đã nhận được sự quan tâm, phản hồi của đông đảo độc giả. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, mồi chài chị em phụ nữ để đưa họ vượt biên theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán trứng hoặc mang thai hộ.
Bên lề Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội, bác sĩ - GS.TS Nguyễn Quang Tuấn xung quanh vấn đề này.
Thưa GS.TS, với góc độ là Đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, mồi chài người dân vào đường dây vi phạm pháp luật. Ví dụ như đường dây “gom” phụ nữ sang Trung Quốc để bán trứng và mang thai hộ mà vừa qua PV báo Người Đưa Tin đã thâm nhập chẳng hạn?
Mạng xã hội luôn có 2 mặt. Mặt tích cực là kết nối mọi người, lan truyền nhiều thông tin của đời sống, chính trị, xã hội… Nhưng ở đây là một trong những mặt trái của mạng xã hội. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo người khác vi phạm pháp luật, ngoài ra nhiều vụ còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xuyên tạc thông tin… Do đó, người dân cần cảnh giác trước những thông tin, những lời dụ dỗ của các đối tượng không quen biết trên không gian mạng.
Ở vụ việc cụ thể này, không loại trừ, các đối tượng không chỉ đưa chị em sang bên đó bán trứng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khác như buôn người chẳng hạn. Khi nhóm đối tượng đưa nạn nhân trốn theo đường tiểu ngạch thì rất khó bảo vệ.
Quá trình dụ dỗ phụ nữ, các đối tượng trong đường dây này luôn nói rằng, việc mang thai hộ hoặc bán trứng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vậy, trên thực tế, việc này có an toàn, đảm bảo như lời các đối tượng mồi chài, lôi kéo nạn nhân hay không, thưa GS?
Liên quan đến sức khỏe, việc mang thai cũng là gánh nặng đối với người phụ nữ. Còn việc bán trứng thì người ta phải dùng thuốc để kích trứng cho chín.
Nếu tiến hành lấy trứng ở các đơn vị có chức năng, chuyên môn như bệnh viện thì việc này tương đối an toàn, không có vấn đề gì. Bởi vì, khi tiến hành thụ tinh nhân tạo ở các bệnh viện lớn được phép của Nhà nước thì việc kích trứng, thủ thuật lấy trứng rất đảm bảo. Các chuyên gia ở đây được đào tạo cơ bản, môi trường vô khuẩn tuyệt đối và dùng thuốc kích trứng đúng liều lượng.
Tuy nhiên, nếu như việc lấy trứng được tiến hành ở nơi không có chuyên môn, môi trường không đảm bảo, dùng thuốc quá liều thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, thậm chí là nguy hiểm.
Trở lại sự việc về đường dây có dấu hiệu dụ phụ nữ vượt biên ra nước ngoài để bán trứng và mang thai hộ mà phóng viên đề cập đến thì mức độ rủi ro cao. Bởi vì chúng ta không kiểm soát được kỹ thuật và chuyên môn của nơi mà các đối tượng này đưa những nạn nhân đến.
Xem video PV báo Người Đưa Tin thâm nhập đường dây "Bán trứng xuyên biên giới":
Theo Đại biểu, cần có biện pháp gì để xử lý những trường hợp như thế này?
Theo quy định của pháp luật, việc xuất cảnh bằng đường tiểu ngạch, không làm giấy tờ mà vượt biên thì rõ ràng là sai. Hơn nữa, việc mang thai hộ hoặc bán trứng theo kiểu như vậy thì pháp luật cũng không cho phép.
Thực ra, các cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, rất nhiều vụ án được phá thành công, thế nhưng để giải quyết triệt để thì không đơn giản. Bởi vì đường biên giới của chúng ta với các nước láng giềng quá lớn, nhiều rừng núi. Trong khi đó, các đối tượng lại có đường dây, tổ chức tinh vi. Quan trọng nhất là chủ thể cũng phải tỉnh táo, nhìn nhận đúng bản chất sự việc.
Tôi nghĩ, phóng viên thâm nhập sâu vào đường dây này rồi thì nên cung cấp thông tin cho các nhà chức trách, việc này rất giá trị.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu!