Phần kết của chuyện tình đồng tính đẹp như cổ tích

Phần kết của chuyện tình đồng tính đẹp như cổ tích

Thứ 6, 15/11/2013 19:30

Manh nha về hợp thức hoá hôn nhân đồng tính khiến nhiều cặp đôi đã mơ một gia đình công khai và những đứa con của mình. Trong hành trình biến giấc mơ thành hiện thực ấy có nụ cười, nước mắt và thậm chí cả đau thương.

Nhưng giấc mơ của họ đã tan vỡ khi mà luật chính thức không công nhận hôn nhân đồng tính...

Xa rồi tiếng khóc con trẻ trong tình nồng

Lê Minh Trang và Nguyễn Hằng Giang đều sinh năm 1989 hiện đang chung sống tại Hà Nội đã được gần một năm. Mặc dù Giang có điều kiện thuận lợi hơn là được gia đình chấp nhận bởi sự nhận biết cảm xúc đồng giới từ khi 13-14 tuổi, nên khi hai em ra sống riêng mẹ Giang còn đùa: "Hai đứa giống nhau nên là vợ chồng là phải rồi" (cặp đôi này có vẻ bề ngoài khá giống nhau). Tuy nhiên, mẹ Trang vẫn chưa thể chấp nhận được cú sốc này.

Trang tâm sự: "Nhà em chỉ có hai mẹ con nên mẹ em đau lòng lắm. Nhưng em tin với thời gian mẹ sẽ hiểu cho hạnh phúc của tụi em. Hiện tụi em đã tính tới chuyện sinh con, và em sẽ là người mang thai và sinh em bé. Dự định này tụi em sẽ thực hiện trong khoảng hơn một năm tới, khi kinh tế đã ổn định hơn".

Cặp đôi Trịnh Thị Trà Giang (24 tuổi, sống ở Hải Dương) và Nguyễn Thị Hương (sinh viên năm thứ nhất khoa Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) dù sống cách xa nhau nhưng tình yêu đã tới với họ thật bất ngờ. Hai cô gái gặp nhau vào đúng ngày lễ tình yêu (14/2) trong chuyến Hương ra Bắc thăm quê. Mối tình "sét đánh" ấy đã khiến cô gái trẻ xách va ly theo Giang về sống tại Hải Dương từ đầu năm tới nay. Hiện gia đình Giang đã chấp nhận cuộc sống vợ chồng của hai cô gái sau nhiều cản trở từ phía anh chị Giang, còn gia đình Hương vẫn chưa thể nguôi ngoai, thậm chí "cấm cửa".

Gia đình - Phần kết của chuyện tình đồng tính đẹp như cổ tích

Cặp đôi Yến- Hương

Dù còn khá trẻ nhưng Hương đã có những suy nghĩ nghiêm túc về đám cưới. Hương chia sẻ: "Tới đây, em sẽ đưa Giang vào Nam ra mắt ba mẹ và xin phép sẽ tổ chức đám cưới vào cuối năm. Sau khi ổn định, tụi em sẽ xin con nuôi. Trước đây, em cứ hy vọng có thể làm sao để tụi em lấy được trứng và tinh trùng để em mang thai, sinh con, nhưng giờ em biết là rất khó nên buồn lắm. Em không muốn con của tụi em lại là của riêng em hay Giang, nên tụi em thống nhất là sẽ xin con nuôi...

Và một điều nữa em lo lắng là khi em theo Giang ra Bắc chỉ có một thân một mình, khi đau ốm em chỉ muốn có Giang chịu trách nhiệm tất cả nhưng trên giấy tờ tụi em vẫn không thể đứng ra lo cho nhau...". Nhiều chuyên gia cho rằng, trong xã hội, nhiều cặp đôi đồng tính đã mơ có một đám cưới nguyên nghĩa cả trên phương diện truyền thống và pháp luật. Họ được chung sống công khai, được có con để tình cảm, nghĩa vụ thêm gắn bó. Nhưng chuyện có con vẫn là điều rất khó bởi phải xác định thông suốt con mang gene của ai, hay xin con nuôi. Và cho đến thời điểm này, ước mơ có con của họ đã gần như đã tan vỡ.

Không hôn thú vẫn chung tay nuôi con

Cặp đôi đồng tính không được quyền bảo vệ tài sản chung?

Theo nghiên cứu iSEE, có 29% các cặp đôi đồng tính sở hữu chung các tài sản có giá trị lớn như ô tô, sổ tiết kiệm, 18,4% có vốn đầu tư kinh doanh chung, 16% có nhà đất chung (chỉ đứng tên một trong hai người)... Nếu chia tay hoặc một bên mất đột ngột thì sẽ gây thiệt thòi cho người không có tên sở hữu những tài sản đó.

Anh Trần Khắc Tùng hiện là GĐ Trung tâm về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS) năm nay 40 tuổi, đã có bạn trai được 12 năm. Tuy nhiên, người sống ở Hà Nội, kẻ ở TP.Hồ Chí Minh nên vẫn chưa nghĩ tới đám cưới dù hai người được gia đình hai bên thấu hiểu. Họ vẫn thường đùa nhau, nếu là một cặp vợ chồng bình thường thì năm nay con họ đã học hết tiểu học rồi. Anh chia sẻ: "Hiện, đã có những cặp đôi được bố mẹ hai bên thừa nhận, ủng hộ. Thế nhưng, việc không cho phép kết hôn giữa những người đồng tính cũng khiến chúng tôi không có quyền đại diện cho nhau, không có quyền về tài sản chung, quyền thừa kế theo pháp luật, quyền đối với con nuôi, quyền ly dị và phân chia tài sản"...

Yến (31 tuổi) ở miền Bắc, Hương (30 tuổi) ở miền Nam, tình cờ họ quen nhau qua một nhóm bạn rồi yêu nhau. Yến bỏ công việc hiện tại để vào Nam sống với người yêu và chấp nhận làm lại từ đầu nhưng họ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Dù vậy, tình yêu của họ vẫn ngọt ngào khi hằng ngày cùng nhau đi chợ, nấu ăn, đi làm; cuối tuần cùng nhau xem phim, đi thăm bạn bè. Trước đó, Hương đã cố gắng gạt đi nhu cầu của bản thân để kết hôn với một người đàn ông - cho giống như các cô gái khác.

Hiện giờ, Hương và Yến đang sống hạnh phúc, cô con gái riêng của Hương đã được gần 5 tuổi được nuôi lớn trong tình yêu thương của hai mẹ. "Nhiều khi nghĩ cũng buồn vì chúng tôi không được sự vun vén từ phía hai gia đình như bao cặp khác. Dù cuộc sống hiện nay của chúng tôi rất hạnh phúc với công việc ổn định, nhưng lỡ có chuyện gì xảy ra như phẫu thuật hay liên quan đến vấn đề pháp lý thì tôi và Hương làm sao có thể chứng minh mình là người thân của nhau?" - Yến băn khoăn.

Dù vậy, mơ về một đám cưới vẫn là điều mà họ ấp ủ. Hương tâm sự: "Với nhiều cặp đôi cùng giới, đám cưới mang ý nghĩa tinh thần lớn về việc cam kết gắn bó với nhau. Một đám cưới có sự chúc phúc của hai bên gia đình là điều tốt đẹp mà chúng tôi mong muốn. Và nếu như được pháp luật công nhận hôn nhân cùng giới, đám cưới đó càng ý nghĩa hơn bao giờ hết".

Việc luật pháp không công nhận hôn nhân đồng tính khiến nhiều cặp đôi thất vọng. TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) cho rằng: Luật Hôn nhân và Gia đình tưởng sẽ thay đổi tiến bộ nhưng tư tưởng nhà làm luật vẫn là bỏ qua ý nghĩa bảo vệ quyền lợi, hạnh phúc của các gia đình mà chỉ chú trọng đến việc giải quyết, lo "hậu sự" cho một cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi bắt đầu một mối quan hệ, hai người luôn có niềm tin sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau, nhưng luật lại đưa ra mặt thiếu tích cực của mối quan hệ. Đó là chỉ khi hai người chia tay nhau thì mới giải quyết cho họ những vấn đề về tài sản và con cái. Vậy tại sao không đưa ra một điều luật để có thể bảo vệ quyền lợi cho những người này ngay từ khi họ bước chân vào mối quan hệ đó? Thực tế tình trạng bất bình đẳng không chỉ xảy ra giữa các cặp đôi dị tính, đồng tính mà còn bất bình đẳng trong quyền lợi và nghĩa vụ của các cặp đôi có đăng ký hoặc không đăng ký kết hôn. Trong số các nhóm quyền được liệt kê trong dự thảo thì chỉ có 1 đến 2 quyền là được xác lập cho các cặp đôi không đăng ký kết hôn, còn lại 69 quyền hầu như nếu không đăng ký kết hôn sẽ không được hưởng.            

Mai Nguyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.