Đua nhau "nhòm ngó" quỹ
Ba tháng sau khi chính thức thu phí bảo trì đường bộ với ô tô, Quỹ bảo trì đường bộ đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Ngay sau khi có tiền, đã có đơn vị xin tiền để xây 46 trạm cân. Tiếp đó là sở GTVT Hà Nội. Sở này đã có tờ trình lên bộ GTVT xin được cấp tiền để phân làn đường. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết: "Sau gần hai năm thực hiện phân làn đường ở 5 tuyến phố trong nội đô Hà Nội, hiện nay các dải phân làn đã xuống cấp. Sở GTVT Hà Nội chắc chắn sẽ có kế hoạch triển khai bảo trì, tu bổ lại dải phân làn ở 5 tuyến phố này".
Tai nạn do dải phân cách cứng
Ông Tân cũng cho hay, hiện nay đường xá ở trong nội đô vẫn đạt chất lượng tốt. Các tuyến đường huyết mạch dẫn vào trong thành phố đều mới được xây dựng và sửa chữa, đều đạt chất lượng cao so với các con đường khác trong cả nước. Chỉ có giải phân làn đường ở 5 tuyến phố Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng sau hai năm đi vào hoạt động chính thức đã xuống cấp và cần được sửa chữa. Ông cũng cho hay sẽ tiếp tục triển khai việc phân làn, ngoài 5 tuyến cũ, sở sẽ triển khai thêm trên các tuyến đường khác như Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Linh (QL5) và cầu Vĩnh Tuy.
Đồng thời ông cũng khẳng định: "Để thay đổi được ý thức của người tham gia giao thông thì phải cần đến một thời gian dài. Ở Nhật Bản, người ta còn phải mất đến 30 năm mới thay đổi được một thói quen nhỏ trong tham gia giao thông...".
Được biết, trong những năm 2003, 2006 và 2009 Hà Nội đã thí điểm phân làn đường nhưng lần nào cũng thất bại. Khi có mặt cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thì người dân chấp hành nhưng khi vắng mặt lực lượng này thì đâu lại đóng đấy. Hà Nội vẫn quyết tâm phân làn thêm lần thứ bốn với mức chi gần 24 tỷ đồng cho việc đặt các khối bê tông có thanh sắt nối và có biển báo ở... giữa đường để phân biệt hai làn ô tô, xe máy. Trong đó kinh phí cho việc sơn kẻ đường, biển mới từ ngày 20/9/2011 tới 8/10/2011 của sở GTVT Hà Nội là hơn 4,6 tỷ đồng. Kinh phí phục vụ hướng dẫn, cưỡng chế phân làn cho hai lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông tới cuối năm 2011 dự tính khoảng 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, nhiều cọc bê tông bị đâm đổ gãy, nhiều người tai nạn do đâm phải giải phân cách đặt giữa đường. Dư luận xã hội, các chuyên gia về giao thông lên tiếng phản đối việc phân làn kém hiệu quả ở nhiều tuyến đường. Chính vì thế nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao phân làn kém hiệu quả và bị dư luận phản đối thế mà cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xin tiền.
Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình
"Không nên chi tiền cho việc làm kém hiệu quả"
Trao đổi với PV Người Đưa Tin trước việc sở GTVT Hà Nội xin tiền Quỹ bảo trì đường bộ vào việc tu bổ sửa chữa giải phân làn giao thông TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện Trưởng viện Quy hoạch & Quản lý GTVT cho hay: Việc phân làn giao thông thuộc tổ chức giao thông đô thị không thuộc về công việc của bảo trì đường bộ. Sở GTVT Hà Nội có thể lấy lý do cải tạo cơ sở hạ tầng để lấy tiền từ quỹ này nhưng đó là việc mập mờ khái niệm. "Tôi cho rằng việc xây dựng trạm cân của tổng cục đường bộ hay xin tiền để phục vụ việc phân làn của sở giao thông đều là những lý do thứ yếu. Nguồn tiền thì có hạn, vì thế cần phải chi cho những vấn đề thiết thực hơn".
Đồng quan điểm với TS. Bình, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng, Quỹ bảo trì không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế, chính vì thế việc chi cũng cần cân nhắc, nên chi cho những việc cấp thiết liên quan tới chất lượng đường trước.
Nói về hiệu quả của việc phân làn đường ở Hà Nội, TS. Bình cho hay, bà chưa biết kết quả công tác phân làn đường do sở GTVT Hà Nội báo cáo ra sao nhưng nhìn vào thực tế có thể thấy việc này bị dư luận phản ứng khá nhiều. "Chúng ta chưa có quy hoạch tổ chức giao thông cụ thể, chưa lường trước được hết tác động của từng tuyến giao thông để từ đó đề ra những kế hoạch phù hợp với từng trục đường. Ta mới chỉ làm theo cách, thấy ở đâu tắc thì làm thử, xem thế nào, thí điểm xem kết quả ra sao. Đây là những việc làm manh mún nên không hiệu quả và gây lãng phí nguồn tiền lớn", TS. Bình cho hay.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản, đường Hà Nội còn nhiều đường xấu chỉ trừ đường từ khu vực vành đai 3 trở vào là cơ bản tốt. Vì thế dành tiền để phân làn giao thông là chưa hợp lý. Theo ông phân làn là để tách riêng làn cho xe chạy nhanh và xe chạy chậm, với điều kiện là đường phải to. Còn Hà Nội chủ yếu là đường nhỏ càng phân làn thì mức độ sử dụng đường càng suy giảm, gây lãng phí một phần đường, chính nó còn gây ùn tắc hơn. Cũng chính vì đường chật mà còn đặt dải phân cách sẽ tăng cao nguy cơ gây tai nạn giao thông. Thực tế tai nạn do va quệt, đâm phải dải phân làn trong thời gian qua xảy ra không ít.
PGS. TS Nguyễn Quang Đạo (Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng cho rằng không ai đặt cột biển báo và dải phân cách giữa đường vì nó rất bất hợp lý. Ông nhận thấy rằng có nhiều bến xe buýt ngay sát vị trí cắm cột và đặt dải phân cách vì thế khi xe buýt dừng đón, trả khách sẽ chắn phần lớn hoặc toàn bộ làn đường khiến người đi xe máy buộc phải lách sang làn đường dành cho ôtô để đi. Việc này rất nguy hiểm, khiến người đi xe máy dễ đâm vào cột biển báo, dải phân cách khi tránh xe buýt".
Bên cạnh sở GTVT Hà Nội xin tiền để phân làn đường còn có tổng cục Đường bộ (bộ GTVT). Cục này tính xin tiền về xây dựng 45 trạm cân để ngăn chặn tình trạng xe quá tải "băm" nát đường. Theo đơn vị xe quá tải đang băm nát các con đường qua địa phương và tỉnh nào cũng muốn có một trạm cân, hăng hái nhất là Lào Cai, Hải Phòng, sau đó là tới Lạng Sơn, Hải Dương, Vĩnh Phúc… |
Thành Huế