Phân loại rác tại nguồn
Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, rác thải sinh hoạt hiện được các hộ dân thu gom, phân loại tự phát, cho vào bao túi nilon lưu chứa tại nhà. Theo giờ quy định, người dân đem đổ vào xe thu gom rác. Việc thu gom này đòi hỏi phải có địa điểm tập kết CTR từ các hộ dân lên xe đẩy tay, sau đó chuyển lên xe cuốn ép. Việc thu gom này phải sử dụng một đoạn đường phố, ngõ xóm làm nơi tập kết, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Người dân tự phân loại chủ yếu là các chất thải có thể tái chế trực tiếp giấy, nhựa, kim loại... và được người thu mua đồng nát gom lại.
Người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh: BQL dự án 3R
Tại diễn đàn về 3R (Reduce, Reuse, Recycle - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia về môi trường nhận định, việc thực hiện phân loại CTR từ nguồn nhằm giảm bớt khối lượng vận chuyển và xử lý. Ông Nguyễn Văn Hòa, tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Do chưa phân loại từ nguồn nên CTR đang lưu lại 1-2 ngày tại tại điểm trung chuyển là Nhà máy sản xuất phân hữu cơ Cầu Diễn với công suất xử lý 140 tấn/ngày. Sau khi xử lý CTR hữu cơ được xử lý thành phân bón (khoảng 30%), rác còn lại (khoảng 70%) được vận chuyển đến khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) trong khoảng 1 ngày. Nếu được phân loại tại nguồn, việc xử lý rác sẽ được rút ngắn và triệt để hơn.
“Việc phân loại này mới chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số rác thải được thu gom tại Hà Nội và thực tế tại các bãi rác Hà Nội luôn có một đội quân phân loại rác. Nếu được phân loại tại nguồn, lượng rác thải dùng cho tái chế lớn hơn rất nhiều và cũng giảm chi phí vận chuyển”, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết.
Thực tế, nhận thấy mô hình phân loại rác tại nguồn rất hữu ích cho việc xử lý rác, Hà Nội đã từng triển khai mô hình 3R tại phường Thành Công (Ba Đình), Láng Hạ (Đống Đa), Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) và Nguyễn Du (Hai Bà Trưng) trong 3 năm (2007 - 2009) với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản). Gặp lại các hộ dân tại các phường đã triển khai mô hình 3R, mọi người đều chung cảm giác nuối tiếc về một dự án dang dở. Chị Thúy Hà (phường Thành Công) chia sẻ: Khi triển khai dự án phân loại rác theo mô hình 3R, ban đầu tôi không hiểu nhưng nay đã nhận thấy sự hợp lý. Chúng tôi được phát hai thùng mini để chứa rác, thùng màu xanh đựng rác hữu cơ, thùng màu vàng đựng rác vô cơ. Buổi chiều, công nhân thay vì đẩy xe gom rác, chỉ đứng tại các điểm có đặt thùng màu xanh, màu vàng (loại 240 lít) để hướng dẫn người dân đổ rác. Nay thành thói quen, tôi vẫn phân loại rác vô cơ như chai lọ nhựa, thủy tinh cho riêng vào một túi để đưa cho công nhân vệ sinh bán đồng nát.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: Nếu phân loại rác từ nguồn, rác sẽ được đưa thẳng đến nhà máy trung chuyển để xử lý thành phân bón. Đỡ tốn kém trong khâu phân loại tại nhà máy. Thực tế, thay đổi thói quen cố hữu không phải dễ. Ngay như Nhật Bản, nổi tiếng với “tính kỷ luật cao”, để đưa dự án 3R vào cuộc sống thành công, cũng phải mất 13 năm.
Sớm tái khởi động mô hình 3R
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: công ty đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư một nhà máy “đốt rác phát điện”, đây là công nghệ mới ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và sẽ được triển khai từ nay đến năm 2014 đưa vào vận hành. Từ nay đến năm 2015, chúng tôi sẽ đổi mới công nghệ thu gom rác tại các quận nội thành; trong đó có dự án trạm trung chuyển thu gom rác của Hà Nội với công suất 1.000 tấn/ngày. Thực chất đây là trạm phân loại rác. Do đó việc phân loại rác tại nguồn như mô hình 3R sẽ tái khởi động và triển khai vận động nhân dân phân loại rác tại nhà. Qua đó, rác về các trạm trung chuyển sẽ là trạm tiền xử lý như loại nào mang đi đốt, mang đi tái chế, còn lại mang đi chôn lấp. Trong quy hoạch quản lý chất thải rắn của Hà Nội, chúng tôi đề xuất tổ chức lại mạng lưới thu gom rác đưa về các trạm trung chuyển để phân loại.
Thành phố đang trong quá trình phát triển với tốc độ rất cao cả về không gian, quy mô dân số. Với những đặc trưng đan xen làng xóm cũ đô thị hóa với khu vực phát triển mới cần hình thức thu gom, vận chuyển riêng. Trong đó việc tái khởi động mô hình 3R được đánh giá sẽ góp phần hỗ trợ giảm thiểu việc vứt rác bừa bãi ra ngoài đường và tận dụng tối đa rác tái chế. Coi rác như là tài nguyên thì sẽ có những giải pháp để tái chế và tận dụng.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, thành phố chủ trương tiến hành xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để đạt được hiệu quả cao nhất. Trước mắt, các đơn vị cần đảm bảo thu gom rác hợp vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến môi trường, tiếp tục vận động tuyên truyền cho người dân biết về việc phân loại rác.
Ông Nguyễn Văn Phong, bí thư huyện ủy Sóc Sơn: “Cần huy động xã hội hóa” Đối với rác thải đô thị và nông thôn cần quan tâm đến việc phân loại rác ngay từ nhà và nguồn kinh phí dành cho thu gom cũng cần tính toán. Việc phân loại xử lý rác theo quy hoạch xử lý rác thải Hà Nội đến 2020 cần được xã hội hóa. Chúng ta phải tính đến công nghệ xử lý rác. Nếu việc xử lý rác như hiện nay còn nặng tính thủ công và đi sau công nghệ như thế này, những năm tới sẽ không còn đất chôn lấp rác thải. Nên tính toán ứng dụng công nghệ mới để xử lý rác, có thể từng bước, ở từng khu vực. Việc này Hà Nội hoàn toàn có thể làm được. Ông Nguyễn Thế Hùng, giám đốc Sở Xây dựng: “Sẽ cải tiến công nghệ xử lý rác” Về lâu dài, Hà Nội sẽ cải tiến về công nghệ để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực với môi trường. Với khu vực bãi rác thải, khi triển khai sẽ có ranh giới để đảm bảo cách ly với khu vực xung quanh. Đối với việc hỗ trợ phân loại rác tại nguồn, Hà Nội đã có dự án thí điểm phân loại nhưng chưa thành công với nhiều nguyên nhân khách quan. Nhưng quan điểm của chúng tôi là vẫn phải duy trì, trong đó chú trọng tuyên truyền. Ông Nguyễn Doãn Hoàn, chủ tịch UBND huyện Thạch Thất: “Phân loại rác tại nhà” Giải pháp trong quy hoạch rác thải Hà Nội hiện vẫn đi sau các nước trên thế giới và sẽ không giải quyết được căn bản việc xử lý rác thải. Nhật Bản đã bỏ qua giai đoạn xử lý rác thải tập trung, họ có máy xử lý rác thải nhỏ quy mô chỉ 6 m2 và xử lý hàng tấn rác thải. Vấn đề đầu tiên là nhận thức. Do đó giải pháp đầu tiên là phân loại rác tại nhà hay còn gọi là tại nguồn với mô hình 3R. Nhưng để làm được phải nâng được nhận thức của người dân. |
Theo Báo Tin tức