Nhọc nhằn mưu sinh
Chúng tôi đến chợ đầu mối rau quả Hòa Cường Bắc (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), vào một đêm cuối tháng 10 trời mưa rả rích. Khi tiếng chuông nhà thờ điểm 0h cũng là lúc các loại xe container, xe tải các loại, chở hàng nông sản từ khắp nơi ùn ùn kéo về chợ. Lập tức đội quân khuân vác đẩy xe kéo chạy rần rần, chuyển hàng từ các xe tải vào trong chợ. Mặc cho những cơn mưa rả rích làm con đường đi nhầy nhụa bùn đất khó đi thì công việc mưu sinh của họ vẫn hối hả như thường. Chở hết những thùng hàng đầu tiên, dùng luôn những chiếc xe kéo làm ghế, họ ngồi trò chuyện và chờ những chiếc xe hàng tiếp theo.
Giây phút hiếm hoi của những phu khuân vác ở chợ đầu mối.
Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt khắc khổ, anh Nguyễn Văn Hà (45 tuổi, P.Hòa Cường, Q.Hải Châu.TP.Đà Nẵng) cho biết: "Nghề ni (này) chỉ dành cho những người có sức khỏe mới làm được, vì vất vả, cực nhọc lắm". Một anh ngồi bên góp chuyện: "Chú biết rồi đó, mọi người đang ngủ thì chúng tôi lại đi làm quần quật cho tới sáng mai mới trở về nhà. Họ đi làm thì chúng tôi ngủ".
Theo anh Hà, một trong những người có thâm niên làm khuân vác ở đây chia sẻ: "Tôi làm ở đây thế mà ngót nghét cũng phải hơn 8 năm rồi đó chú. Đội quân khuân vác của chúng tôi ở đây lúc ít cũng hơn 60 người, khi nhiều phải hơn 100. Anh em ở đây, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, có người quê tít ngoài Cao Bằng, Bắc Kạn, già có, trẻ có vì hoàn cảnh khó khăn, lại không có nghề nghiệp gì nên mới tìm về đây bán sức lao động mưu sinh. Mỗi ngày chúng tôi kiếm được từ 100- 110 ngàn. Có được đồng tiền cực lắm, những ngày đầu tôi làm không quen, công việc đã nặng lại còn thức suốt đêm nên sáng về chân tay mỏi rã rời. Nhưng vì miếng cơm manh áo cho cả nhà nên tôi phải làm tiếp, cứ thế dần dần rồi quen luôn...".
Nói chuyện tới đây thì lại có thêm đoàn xe tải chở hàng tới, anh Hà cùng những người "đồng nghiệp" lại tiếp tục đẩy những chiếc xe kéo làm việc. Một người phụ nữ vừa dừng xe ở cổng chính chợ, rồi dọn thúng xôi ra bán. Cô tên Trần Thị Thủy (40 tuổi), nhà ở sau bến xe trung tâm TP. Đà Nẵng, từ nhà cô đi xe máy tới đây tầm 20 phút. Khuôn mặt dường như vẫn còn "thèm" ngủ, vừa dọn các món xôi ra chuẩn bị bán, cô Thủy vừa cho biết: "Tôi bán xôi ở đây cũng được gần một năm rồi. Ai muốn mất ngủ đi làm chi cho mệt, nhưng cũng vì cuộc sống thôi. Đêm trời mưa cũng như những đêm mùa đông lạnh, tôi đều dậy từ 23h lọ mọ nấu xôi, 1h thì chạy tới chợ bán cho mấy anh em làm khuân vác ở đây. Một đêm thức trắng như vậy tôi kiếm lời được từ 100-200 ngàn tằn tiện nuôi con ăn học. Như vậy là vui rồi!".
Dù đã 2h sáng nhưng bà Hoan vẫn miệt mài với cửa hàng bánh mì.
Thức trắng đêm vì tương lai của các con
Những người thức trắng đêm làm ở đây ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, họ đánh đổi giấc ngủ của mình không phải vì họ mà để tương lai con cháu sẽ không phải thức đêm mưu sinh như mình. Hơn 8 năm qua, anh Hà quần quật làm cũng vì tương lai của các con. Vợ chồng anh sinh được ba người con. Cháu gái đầu hiện đang học đại học Sư phạm Đà Nẵng năm nhất, một cháu học lớp 7 và cháu út đang học lớp 4. Con gái đậu đại học, là một bước ngoặt cho tương lai của con, anh vừa mừng nhưng cũng vừa lo: "Số mình phải lao động chân tay khổ rồi, nên tôi phải cố nuôi con học để sau có việc làm ổn định. Ngày trước một tháng, tôi cho phép mình nghỉ 7 ngày, vì công việc quá mệt nhưng nay con đậu đại học, chắc tôi phải thức nhiều hơn nữa. Nhưng cũng lo lắm, tuổi đã già hơn, sức đã yếu hơn, tôi sợ mình đổ bệnh không đi làm được".
Ở cái chợ này, tất cả mọi người ai cũng biết đến sự tảo tần của bà Trương Thị Hoan (70 tuổi, trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mưu sinh bằng nghề bán bánh mì. Đến lúc này ông bà nghĩ đã có thể yên tâm nghỉ ngơi khi tuổi đã già, sức đã yếu, thì cuộc hôn nhân của người con gái đầu đổ vỡ. Chị bỏ nhà đi làm thuê xa để hai đứa con gái lại cho ông bà nuôi. Ông bà lại tiếp tục dãi nắng, dầm sương gồng gánh nuôi các cháu ăn học suốt hơn 20 năm qua. Nay chồng bà sức khỏe đã yếu, còn bà sức khỏe vẫn còn nên bán bánh mì buổi đêm bên hông chợ. Chúng tôi không biết bà ngủ vào giờ nào. 23h30, khi mọi người đã yên giấc thì bà bắt đầu đi bán. Tầm 6h bán xong bà về chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình. Rồi làm việc nhà tới 11h trưa. Chiều 14h lại chuẩn bị đồ để đi bán. 18h sửa soạn nấu ăn tối cho cả nhà.
"Mỗi hôm tôi bán lời được từ 50-150 ngàn, có những ngày trời mưa không có khách, có khi chẳng đủ tiền vốn. Số tiền này tôi dùng để chi phí các khoản sinh hoạt trong nhà, còn lại thì tích góp lo cho các cháu ăn học. Đời mình đã khổ, không được ăn học đến nơi đến trốn rồi nên tôi phải lo cho các cháu được học hành tử tế. Tôi chỉ mong cho các cháu học xong có việc làm ổn định. Tự lo cho cuộc sống của chúng nó, thế là tôi vui rồi. Chứ mình cũng chẳng mong một ngày được chúng nó báo đáp công ơn cái thân già này chi cả". Vừa bán bánh mì cho khách, bà Hoan vừa chia sẻ.
Dân bốc vác ở đây còn có cả những thanh niên từng là sinh viên đại học. Phan Thanh Tùng (23 tuổi, quê H. Đại Lộc, T. Quảng Nam) chia sẻ: "Mình từng học ngành Điện tử ở trường cao đẳng Nghề số 5, nhưng sau đó vì chơi game và nhậu quá nhiều nên việc học sa sút dần. Về sau nợ điểm quá nhiều môn nên đành phải nghỉ học đi làm kiếm sống. Giờ làm việc này mới thấy tiếc, nếu ngày trước mình chăm chỉ học hành, lấy được tấm bằng ra trường thì giờ không phải vất vả thế này. Việc ở đây dù vất vả, tổn hại sức khỏe nhưng được cái thu nhập ổn định. Mình làm rồi tiết kiệm, hằng tháng gửi cho em gái đi học đại học, sau cho nó có công ăn việc làm ổn định, không phải khổ như mình".
Chúng tôi rời chợ đầu mối Hòa Cường khi tờ mờ sáng, những người phu khuân vác lại tiếp tục vội vã đẩy xe kéo chuyển hàng từ chợ lên xe cho các tiểu thương chuyển về các chợ lân cận bán buôn. Bà Hoan, cô Thủy bán những cái bánh mì, bát xôi cuối cùng. Chỉ thức một đêm ở đây thôi mà chúng tôi cảm thấy chân tay mỏi nhừ, đầu lâng lâng. Thế mới biết hết sự chịu đựng, sự hy sinh lớn lao của những phận người mưu sinh ở chợ đầu mối Hòa Cường dành cho con cháu. Chợt nghĩ, mỗi năm trôi qua thì họ sẽ có được bao nhiêu giấc ngủ ngon? Họ sẽ có bao nhiêu ngày sống mà không phải vướng bận đến nỗi lo "cơm áo gạo tiền"...
Tai nạn lao động rình rập Trao đổi với đại diện ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, chúng tôi được biết : "Các phu khuân vác ở đây tập trung từ mọi miền đất nước về đây, chủ yếu là người Quảng Nam, Đà Nẵng. Do họ là lao động tự do, không có hợp đồng lao động các loại bảo hiểm thân thể, nên khi xảy ra tai nạn lao động tại chợ, chúng tôi chỉ biết kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ". |
Nguyễn Cường