Phận những nghệ sĩ nghèo cả đời đi ở trọ

Phận những nghệ sĩ nghèo cả đời đi ở trọ

Thứ 7, 27/07/2013 16:56

Đã gần 20 năm, kể từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên đến khu nhà trọ của ông Tư Mịn sống, người trước rủ người sau, dần dà thành xóm. Ngoài khu nhà trọ của ông Tư, vài dãy trọ lân cận cũng được các nghệ sĩ lựa chọn làm nơi trú ngụ.

Đến già vẫn ở nhà mướn

Dọc theo hai bên chân cầu Rạch Ông (Quận 8, TP.HCM), những xóm trọ nghèo nhanh chóng mọc lên, lấp đầy biết bao khoảng đất trống trũng sình lầy, cây cối um tùm. Xóm nghệ sĩ bao gồm những dãy phòng san sát nhau, thường có gác gỗ để đủ cho một gia đình khoảng 4 - 5 người sinh hoạt. Tính sơ khởi số lượng gia đình nghệ sĩ chọn sống ở khu vực nhà trọ trong một con hẻm nhỏ dưới chân cầu Rạch Ông đã gần 100 hộ. Xóm thu hút đủ kiểu nghệ sĩ từ diễn viên xiếc, hài kịch, cải lương, ca sỹ hát quán, hát đám tiệc... nhưng điểm chung của họ đều mang kiếp tằm nhả tơ suốt đời cơ cực. Đến sân khấu của mình, họ luôn được coi trọng nhưng khi về dưới mái nhà, nghèo đói luôn đeo mang.

Nhân vật - Phận những nghệ sĩ nghèo cả đời đi ở trọ

Nghệ sĩ Thanh Xuân và cháu nhỏ vui vẻ ở xóm trọ (ảnh Hà Nguyễn)

Nghệ sĩ Xuân Diệu, người đạt kỷ lục "Người Việt Nam có đôi mắt bắn sữa thành tia dài nhất" cũng cư ngụ nơi xóm trọ nghèo dành cho nghệ sĩ. Trong căn phòng trọ chật hẹp nhưng gọn gàng ngăn nắp, anh chia sẻ: "Những lúc không ai gọi đi biểu diễn, tôi lại may phụ vợ để trang trải sinh hoạt và lo cho hai đứa con gái học hành. Không riêng tôi, các nghệ sĩ khác cũng phải tìm kiếm việc làm thêm bên cạnh việc đi biểu diễn ở sân khấu, hàng quán".

Phận nghệ sĩ sống ở xóm trọ này cũng nhiều nỗi niềm lẫn sự bấp bênh trong nghề nghiệp. Họ xuất thân trong nghèo khổ nên khi tham gia nghệ thuật không có điều kiện để lăng xê tên tuổi. Cô Thanh Xuân, một nghệ sĩ cải lương lâu năm của các đoàn văn nghệ cho biết: "Dù được đánh giá cao về giọng hát, con đường nghệ thuật của tôi cũng chỉ dừng lại ở các đoàn hát tỉnh, và bây giờ ở tuổi xế chiều, giọng ca của tôi chỉ được dịp vang lên ở các chùa chiền trong các ngày lễ lớn. Nhiều em, cháu hoạt động sân khấu sống ở xóm trọ này cũng rơi vào hoàn cảnh giống tôi ngày trước. Không tiền, không người đỡ đầu khó lòng vươn xa, có tên tuổi như người khác. Mặc dù họ đều là những người có đầy đủ những tố chất của một nghệ sĩ chân chính".

Mùa mưa, xóm nghệ sĩ đông đúc hơn hẳn, nhưng cái cảnh ấy chẳng mấy ai trong số họ mong muốn. Anh Xuân Diệu tâm sự: "Với nghệ sĩ, mùa mưa gắn liền với nghèo đói, với ế show, với việc phải dốc tiền dành dụm bấy lâu để trang trải cuộc sống. Mấy anh chị em nghệ sĩ sống trong xóm thường nửa đùa nửa thật, mùa nắng gom tiền, mùa mưa cầm đồ. Thực tế, tôi phải tranh thủ những lúc đắt show mà ráng kiếm tiền để dành vào mấy tháng mưa dầm dề không ai kêu đi biểu diễn để trang trải. Nhiều nghệ sĩ khác không biết tích góp, mùa này thường phải đi vay mượn rồi rơi vào vòng xoáy nợ nần".

Sống gần chín năm ở xóm trọ nghệ sĩ, anh Xuân Diệu vài lần chứng kiến những mái ấm nghệ sĩ dang dở. Nhưng nghèo đói không phải nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng nghệ sĩ phai nhạt, mà lối sống bê tha mới dẫn đến những rạn nứt không đáng có. Nghệ sĩ ham vui nên dễ sa ngã vào những cám dỗ đời thường. Cờ bạc, rượu chè, nghệ sĩ chỉ cần dính vào một cái thì cái nghèo đã nặng mang. Gia đình tan nát, vợ xa chồng, con xa cha mẹ cũng từ những thói xấu này. Thu nhập đã bấp bênh còn thêm tính ham chơi bời, nhiều nghệ sĩ đến già vẫn chưa thoát được cảnh ở thuê ở mướn.

Nhân vật - Phận những nghệ sĩ nghèo cả đời đi ở trọ (Hình 2).

Nghệ sĩ Xuân Diệu trong ngôi nhà trọ ở xóm nghệ sĩ (Ảnh Hà Nguyễn)

Nghèo nhưng ấm tình thương

Dù không ăn chơi, nhiều nghệ sĩ trong khu trọ vẫn không thoát ra được cảnh ở nhà mướn. Vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Xuân bươn chải, hát mướn gần hết đời vẫn chưa tích góp đủ tiền để mua một ngôi nhà. Những đứa con lần lượt ra đời, lớn lên ở xóm trọ nghèo, chứng kiến cảnh cha mẹ ngược xuôi kiếm tiền bằng giọng ca tiếng đờn não ruột, đứa nào cũng tự biết không nên bước tiếp con đường nghệ thuật nhiều bạc bẽo. Dù yêu nghề, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Xuân cũng không muốn con cái khổ sở như mình, đứa nào muốn chọn nghề gì, hai anh chị đều đồng ý. Bây giờ, con cái anh chị đã có công việc ổn định và rời xóm nghệ sĩ tìm kế mưu sinh.nghệ sĩ

Anh Xuân Diệu chia sẻ: "Đến giờ, tôi vẫn chưa dám nghĩ đến một ngôi nhà do chính mình làm chủ. Số tiền ít ỏi tích góp được đã dành cho việc học của các con. Khi nào các con tốt nghiệp, có việc làm, tôi và vợ dắt nhau về quê an hưởng tuổi già. Chưa có xóm trọ nào lại giữ chân khách lâu như xóm nghệ sĩ, cũng chưa có nơi nào mà chủ trọ lại yêu thương và tôn trọng nghệ sĩ như ông Tư Mịn. Chúng tôi gắn bó với nơi này bởi tình người ấm áp, xem nhau như người thân, vui buồn hoạn nạn có nhau. Điều làm mọi người gắn kết với nhau xuất phát từ ông chủ nhà trọ nhân hậu. Không biết trước đây, ông chủ nhà trọ có mối thân tình gì với giới nghệ sĩ mà ông xây nhà trọ chỉ cho chúng tôi thuê. Trước khi cho thuê nhà, vợ chồng ông Tư Mịn đều điều tra nhất định phải dính tới nghệ thuật mới được dọn đến xóm".

Nghệ sĩ Thanh Xuân chia sẻ thêm: "Ông Tư Mịn còn sẵn sàng liên hệ với bên điện lực xin đồng hồ điện cho phòng nào có điều kiện để xài riêng theo đúng giá của Nhà nước. Khoảng sân rộng trước nhà, nếu như người khác, họ sẽ xây thêm nhà trọ cho thuê nhưng ông Tư lại dành riêng cho sinh hoạt chung của xóm nghệ sĩ. Nghệ sĩ được phép dùng sân để tổ chức đám tiệc, họp mặt bạn bè, đặc biệt làm giỗ Tổ nghề hát. Mỗi khi đến kỳ giỗ Tổ, ông Tư Mịn đều xuất ra một số tiền lớn ủng hộ các nghệ sĩ nghèo làm giỗ. Thấy ai khó khăn, ông chủ động đề nghị cho thiếu tiền nhà, ai không có tiền trang trải cuộc sống lúc khó khăn".

Từ nếp sống được định hình lúc ông bà Tư Mịn còn quản lý, xóm nghệ sĩ đã đi vào khuôn khổ. Người đến người đi đều mang theo mình những tình cảm tương thân tương ái. Trong xóm trọ không diễn ra tình trạng mất cắp, trộm cướp, mọi người tự ý thức phải trông coi bảo quản tài sản lẫn nhau. "Đôi dép để ngoài sân giữa đêm còn không bị mất, ở nơi khác cái gì hở ra là mất ngay. Xe cộ dựng ở phía ngoài bà con trong xóm vẫn rất yên tâm. Ở đây không có chuyện nhà ai nấy ở cơm ai nấy ăn đâu, hễ có chuyện gì quan trọng, khó khăn, cả xóm ngồi lại với nhau bàn bạc, tính cách giúp đỡ", nghệ sĩ Thanh Xuân nói với giọng tự hào.

Cái nghèo níu nhau

Nghèo là nguyên nhân chính níu giữ chân người nghệ sĩ ở xóm trọ nhưng tình người ấm áp nơi đây cho họ niềm tin vào cuộc sống và bớt tủi cực phận nghệ sĩ ở mướn làm thuê. Xóm trọ trở thành điểm dừng chân cuối cùng cho đời nghệ sĩ phiêu dạt, người nào may mắn được nhận vào xóm nghệ sĩ xem như đã tìm được một mái nhà. Tiền trọ của xóm lúc nào cũng rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường. Đa số nghệ sĩ đều đã gắn bó với nơi đây cả chục năm...

Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.