Phẫn nộ thầy giáo xuyên tạc bài thơ “Sóng” thành bí kíp tán gái

Phẫn nộ thầy giáo xuyên tạc bài thơ “Sóng” thành bí kíp tán gái

Nguyễn Thị Lành

Nguyễn Thị Lành

Chủ nhật, 17/05/2020 13:48

Bài thơ “Sóng” của cố thi sĩ Xuân Quỳnh ở chương trình Ngữ văn lớp 12 bị thầy giáo Nguyễn Minh Nhật (Hà Nội) biến thành bí kíp tán gái trên sóng truyền hình, khiến dư luận phẫn nộ.

Xuyên tạc, suy diễn nội dung bài thơ

Vừa qua, trên sóng truyền hình On Edu - Trường học 4.0 phát bài giảng về bài thơ “Sóng” của cố thi sĩ Xuân Quỳnh thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận (bài giảng ở địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=xbxMacZ1TpQ).

Theo đó, video có độ dài gần 10 phút ghi lại nội dung bài giảng về hai khổ đầu bài thơ “Sóng” do thầy Phạm Minh Nhật (giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Hà Nội) giảng dạy.

Sau khi phát sóng, bài giảng này nhận về nhiều bình luận chỉ trích dữ dội từ giáo viên, học sinh và những người yêu thích văn chương, bởi thầy giáo đã biến một tác phẩm kinh điển viết về tình yêu đầy tính nhân văn thành bí kíp tán gái thô thiển.

Cụ thể, bài giảng có một số cách hiểu sai lạc về nội dung như sau:

Khi giảng hai câu thơ đầu của khổ 1 “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ”, thầy giáo đã suy ra tính cách con gái khi yêu vô cùng khó hiểu và cho rằng con trai phải tỏ ra lạnh lùng thì mới thu hút được. 

Này nhé các chàng trai, đôi khi chúng ta phải lạnh lùng một chút, quan tâm khi cần thiết chứ không phải lúc nào cũng săn đón đã là hay. Đó là sự đặc biệt của tính cách con gái khi yêu, thầy Nhật bình luận.

Nhiều giáo viên nói rằng, đoạn thơ đã bị thầy giáo Nguyễn Minh Nhật biến thành “bí kíp” tán gái thô thiển nhằm thu hút sự chú ý bài giảng của lứa tuổi mới lớn, đã biết yêu và đang yêu.

Giáo dục - Phẫn nộ thầy giáo xuyên tạc bài thơ “Sóng” thành bí kíp tán gái

Thầy giáo "xuyên tạc" bài thơ thành bí quyết tán gái gây sốc.

Cần phải hiểu rằng, những câu thơ trên mang hai lớp nghĩa – tả thực (sóng biển) và ẩn dụ (sóng lòng của người con gái đang yêu). Nếu quan sát kĩ ta thấy, sóng có những lúc dịu êm, lặng lẽ - đó là khi trời yên biển lặng, thời tiết tốt; nhưng cũng có khi ồn ào, dữ dội – do bão tố phong ba.

Khi soi vào sóng Xuân Quỳnh nhận thấy, người phụ nữ đang yêu cũng có những cung bậc cảm xúc thất thường giống như sóng biển vậy: khi gần gũi, lúc xa xôi; khi say đắm, lúc nhạt nhòa.

Như thế, người phụ nữ khi yêu đều có tâm hồn rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Và cái dịu êm, lặng lẽ của sóng cũng chính là nỗi khao khát của người phụ nữ đến với bến bờ yên và hạnh phúc của tình yêu, đó là đích đến cuối cùng của tình yêu không có bão táp phong ba.

Hay khi giảng đoạn thơ tiếp theo, thầy giáo lại cho rằng tình yêu không hẳn là sự thủy chung và lấy dẫn chứng là các ngôi sao nổi tiếng yêu nhau rồi chia tay: “Các em đừng bao giờ nghĩ đến tình yêu là nghĩ đến lòng thủy chung. Chúng ta biết về mối tình của những ngôi sao nổi tiếng có thể lên đến 9 năm vẫn chia tay.

Chúng ta sẽ nhận ra rằng vẻ đẹp của khổ 2 không chỉ nằm ở sự thủy chung mà là tình yêu sẽ chiến thắng được thời gian. Chúng ta không phản bội ai, không cắm sừng ai nhưng đôi lúc khi yêu lại cảm thấy chán người ta…”.

Những phân tích như thế rõ ràng rất lan man, lạc đề, suy diễn vô căn cứ và còn cả xuyên tạc nội dung khổ thơ thứ hai của bài thơ sóng.

Nội dung khổ thơ này như sau:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”.

Phải hiểu nội dung của khổ thơ này thế nào?

Những cụm từ “ngày xưa”, “ngày sau”, “vẫn thế” gợi đến phạm trù về thời gian – gợi ra ý niệm vĩnh hằng thuộc về sóng và tình yêu trường tồn trong lòng người, trong trái tim của người phụ nữ.

Trong cảm nhận của người phụ nữ đang yêu khi đứng trước đại dương, biển tựa như một lòng ngực lớn lao vĩ đại của đất trời.

Còn biển thì còn sóng, cũng như còn con người thì còn khát vọng yêu đương. Nếu như sóng đem đến sự trẻ trung cho biển thì tình yêu cũng đem đến sự tươi tắn cho sự thanh xuân vĩnh cửu cho con người.

Giáo dục - Phẫn nộ thầy giáo xuyên tạc bài thơ “Sóng” thành bí kíp tán gái (Hình 2).

Học sinh xem bài giảng trên sẽ rất nguy hiểm khi kỳ thi đang đến gần

Điều đáng nói, bài thơ “Sóng” là một những tác phẩm trọng tâm trong chương Ngữ văn lớp 12 thường được ra đề trong các kì thi tốt nghiệp, đại học.

Hơn nữa, những bài giảng được quay thành video phát trên Youtube, truyền hình của những giáo viên trẻ thường được học sinh đón xem rất nhiều.

Thế nhưng, nếu học sinh xem bài giảng này chỉ vì theo phong trào, phù hợp với tâm lý lứa tuổi khi nói đến tình yêu… nhưng thiếu sự định hướng của thầy cô thì quả thực rất nguy hiểm.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Thầy Trần Trung, giáo viên ở Hà Nội chia sẻ, đoạn video thầy Nhật dạy Văn gây nhiều chú ý trên mạng gần đây cho thấy một sai lầm và thất bại cơ bản trong cách dạy và học ở mọi cấp của giáo dục hiện nay.

Đó là nhà trường đã không thể hướng dẫn người học làm quen và trưởng thành trong một nền văn hoá đọc-viết mà chủ yếu dưới hình thức nghe-nhìn-nói.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở việc thiếu vắng những thư viện tốt trong các trường học, những trung tâm tích luỹ và thu thập tri thức tối cần thiết cho mọi hoạt động giáo dục.

“Ở Việt Nam ta từ trước đến nay, hình thức dạy học chủ yếu là nghe-nhìn-nói, giáo viên giảng bài, học sinh ghi chép. Gần đây, quan điểm lấy học sinh làm trung tâm được chú ý nhiều hơn nhưng bản chất tương tác giữa người dạy và người học vẫn như cũ, qua nghe-nhìn-nói.

Các hoạt động đọc và viết bài bản, những thứ làm nên một trường học thực sự, rất ít xuất hiện trong nhà trường các cấp.

Mối quan hệ giữa thầy trò với tri thức, vì vậy, trở nên méo mó. Tri thức được truyền đạt theo những cách thức không chuẩn tắc dẫn đến những sai lầm, khiếm khuyết không thể tránh khỏi.

Trường hợp của thầy Nhật chỉ là một hệ quả tất yếu của hệ thống giáo dục thiếu vắng đi nền tảng đọc-viết, thiếu vắng đi những thư viện đầy đủ sách vở và thông tin”, thầy Trung nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Trung, trong môi trường nghe-nhìn-nói đó, lớp học trở thành một trò diễn, người đi dạy trở thành người “diễn xướng” tri thức còn học trò trở thành khán giả.

Một người dạy “hay” trong môi trường này là làm sao hấp dẫn được người nghe, chứ không phải làm sao truyền đạt được tri thức một cách chuẩn xác và phù hợp nhất.

Những phẩm chất như ngoại hình ấn tượng, giọng nói thu hút, khả năng pha trò chọc cười, vốn sống phong phú, những cách dùng từ ngữ độc lạ... lấn át đi mục tiêu quan trọng và căn bản nhất của giáo dục: Nhận thức đúng đắn. Tri thức từ yếu tố quan trọng nhất của quá trình giáo dục bị che mờ và đẩy xuống vị trí thứ phụ.

“Đa số các giáo viên đang giảng dạy trong nhà trường hiện nay, tuy khác về mức độ và nội dung, nhưng đều chia sẻ chung một phương thức giảng dạy nghe-nhìn-nói như vậy.

Thiếu đi nền tảng chắc chắn của sự đọc-viết, người dạy rất khó để truyền đạt tri thức hợp cách và hiệu quả; các bài giảng thường chỉ là những cóp nhặt, hổ lốn, bông phèng”, thầy Trung nhìn nhận.

Hậu quả của lối học thiên lệch về nghe-nhìn-nói

Thầy Trần Trung cho rằng, học sinh trưởng thành trong môi trường giáo dục hoàn toàn thiên lệch về nghe-nhìn-nói, một cách tất yếu, sẽ hình thành những thói quen ứng xử xấu với tri thức và không có những năng lực xử lý thông tin cơ bản.

Các em không có khả năng xác định nguồn gốc thông tin, không biết phân biệt giữa một điều thực tế và một ý kiến cá nhân, không rõ cách lập luận, phản biện hay tranh luận đúng đắn, loay hoay khi đứng trước những quan điểm khác biệt, dễ bị chi phối giật dây bởi những kích động cảm xúc, và rất hay mắc phải những lỗi đạo văn.

Bên cạnh đó, không được học bài bản các kĩ năng đọc-viết trong môi trường học thuật và không có đủ sách, tài liệu tốt, khả năng tư duy sáng rõ, cẩn trọng, chuẩn xác của các em rất yếu, năng lực thể hiện và biểu đạt ý kiến cá nhân vô cùng thấp.

Kiến thức các em tiếp thu được tù mù và lệch lạc. Vốn tri thức nghe-nhìn-nói tích lũy trong nhà trường thường không thể đào sâu hay phát triển, càng khó để sáng tạo hay ứng dụng bởi vì nó không rõ ràng, cụ thể, chắc chắn, tin cậy.

Ngoài ra, sống và học tập quá lâu trong một môi trường giáo dục như vậy, các em hoặc là trở thành những người chỉ biết vâng dạ làm theo, hoặc là những kẻ chém gió văng mạng.

Và các em thường có thái độ xem thường hay ngần ngại với tri thức; xem thường vì cho rằng tri thức quá dễ dàng có được (chỉ cần đọc một hai cuốn sách nhập môn, nghe mấy bài giảng của chuyên gia, đọc vài thông tin trên mạng là có thể thoả sức phô bày thể hiện và nghĩ rằng mình không thể sai).

Hoặc ngần ngại vì học sinh cảm thấy tri thức quá rối rắm, mập mờ, mông lung để tiếp nhận (do không được dạy dỗ và hướng dẫn những bước cơ bản trong quá trình hấp thụ, tìm kiếm thông tin và nhận thức đúng đắn).

Đâu là giải pháp?

Theo thầy Trần Trung, để cải thiện tình trạng học sinh học thụ động như hiện nay thì cần  thay đổi căn bản hình thức dạy và học trong nhà trường để chuyển đổi nền tảng giảng dạy từ nghe-nhìn-nói là chủ đạo sang đọc-viết là chủ đạo.

Học sinh cần phải được dạy bài bản các kĩ năng đọc-viết học thuật từ các bậc học, càng sớm càng tốt.

Cùng với đó, mọi hoạt động dạy và học nhất thiết phải được dựa trên những nguồn tài liệu chính thống, chắc chắn, tin cậy, không chỉ các sách giáo khoa, giáo trình mà cả các sách nghiên cứu có giá trị, các bài báo khoa học tốt, các tư liệu chuẩn mực, các cơ sở dữ liệu uy tín.

Các trường học cần đầu tư tập trung và hiệu quả cho thư viện bằng những nguồn kinh phí đều đặn, định kỳ; cần liên kết chặt chẽ hơn với các nhà xuất bản trong và ngoài nước; sách vở và tài liệu phải được thu thập, bảo quản, cập nhật liên tục thường xuyên.

Bởi không có một thư viện tốt thì chắc chắn không có một trường học tốt, không có trường học tốt thì không có công dân tốt.

Trong bối cảnh tri thức ngày càng được sản sinh nhanh chóng như hiện nay, việc không có những trung tâm thông tin hoạt động hiệu quả trong trường học đồng nghĩa với việc tụt hậu ngày càng ghê gớm về mặt kiến thức.

“Mọi cải cách giáo dục sẽ là vô nghĩa nếu không thay đổi được hình thức dạy học hiện nay và không đầu tư đúng mức cho các hoạt động thông tin thư viện. Nền học vấn nghe-nhìn-nói đang và sẽ huỷ hoại nhiều thế hệ học sinh và làm xã hội lãnh chịu nhiều hậu quả trầm trọng.

Trình độ của cả người dạy và người học không thể được nâng cao nếu thiếu đi những cơ sở vật chất cơ bản như một thư viện đầy đủ sách.

Với điều kiện của nhiều trường học hiện nay, kinh phí để làm việc này chắc chắn không phải quá khó khăn, vấn đề vẫn là tâm lý xem nhẹ thư viện, không coi trọng sách vở và văn hoá đọc-viết, một quán tính và thói quen vô cùng tai hại của nền giáo dục nghe-nhìn-nói”, thầy Trung phân tích.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.