Lênh đênh đời thợ phụ hồ
Xưa nay, nghề phụ hồ, khuân vác (được xếp vào loại công việc nặng nhọc) thường do đàn ông đảm nhiệm. Bởi, nó đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Thế nhưng, vì mưu sinh, ngày càng nhiều phụ nữ chọn nghề này làm "cần câu cơm". Trong cái lạnh buốt của đợt rét đậm đầu mùa, chúng tôi gặp chị Lê Thị Hậu (xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bên quán nước, cạnh công trường Royal City. Nói chuyện với người phụ nữ nhỏ bé có khuôn mặt khắc khổ này, chúng tôi hiểu thêm phần nào về cuộc sống của những người lao động là phụ nữ nghèo.
Dù mưa rét, các nữ phụ hồ vẫn phải làm việc
Nhà chị Hậu có tất cả 5 người. Hai vợ chồng và ba đứa con đang đi học. Cuộc sống ở quê khó khăn, ruộng đất ngày càng ít, cấy cày lại không lãi được là bao, trong khi ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Chồng chị làm nghề thợ xây ở làng, nhưng thu nhập không ổn định. Không còn cách gì, hai vợ chồng đành dắt nhau lên thành phố kiếm việc làm, để ba đứa con ở nhà cho ông bà trông nom.
Chị Hậu cho biết: "Ở quê, tôi chưa làm phụ hồ bao giờ, lên cái gì cũng bỡ ngỡ. Thời gian đầu chưa quen việc, tôi mệt lắm. Nhiều hôm đi làm về, người đau rã rời, mình mẩy ê ẩm. Chán quá, tôi định bỏ, nhưng nghĩ đến bọn trẻ ở nhà nên cố mà làm. Làm mãi thì thấy quen, không thấy người mệt mỏi như trước nữa".
Theo chị Hậu thì, dân phụ hồ ở các công trình tại thành phố đều là người tứ xứ khắp nơi, già có, trẻ cũng có. Trong một tổ, có khi mỗi người một tỉnh như Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương... nhưng nhiều nhất là dân ở các tỉnh miền trong như Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Họ đều là người dân quê, không có việc làm, được anh em dắt mối, lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai.
Những người này thường chia làm hai nhóm. Một nhóm đi theo những cai thầu nhỏ, mỗi đội khoảng hai chục người và chuyên xây dựng những công trình loại nhỏ như nhà dân, nâng cấp trường học, xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa nhà... Nhóm thứ hai, thường tập trung ở những công trình xây dựng lớn và đi theo đoàn. Hết công trình này, họ lại sang công trình khác. Nhóm thứ hai này, nữ phụ hồ chiếm số lượng đông nhất.
Hàng ngày, bất kể mưa hay nắng, công việc của nữ phụ hồ bắt đầu từ 7h sáng cho đến 11h trưa; chiều từ 13h30’ cho đến 18h. Họ ăn trưa ở các quán ăn ven đường để tiết kiệm thời gian. Chị Nguyễn Thị Lành (xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), cho biết: "So với nhiều nghề khác, nghề phụ hồ tuy vất vả nhưng có việc làm liên tục. Họ (tức cai thầu hoặc chủ xây dựng - PV) trả lương theo năng lực mỗi người. Chất lượng lao động được chấm như thế nào, do một người giám công phụ trách. Thường mức lương của phụ hồ nữ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, tùy vào khả năng lao động của mỗi người. Nếu trừ chi phí, mỗi tháng cũng tiết kiệm được mấy triệu đồng gửi về quê, nuôi con ăn học".
Đang trò chuyện với chúng tôi, chị Hậu chỉ tay về phía một người trùm khăn kín, dáng thấp nhỏ, đi về phía công trường nói: "Đứa đấy năm nay mới 17 tuổi, vào tổ tôi được hơn một năm. Nó là con gái mới lớn, chưa quen chịu đựng nhưng vẫn phải đi làm để trả nợ. Bố nó mất vì bệnh ung thư, nhà lại nghèo và đông anh em nên phải bươn chải sớm".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cô gái 17 tuổi đó tên Thúy, người Thanh Hóa. Vì gia cảnh khó khăn nên bỏ học từ nhỏ, theo chân người cùng quê ra Hà Nội kiếm sống. Ban đầu, Thúy đi phục vụ ở quán ăn, rồi chuyển sang bán hàng rong. Sau mấy lần bị cảnh sát bắt, mất vốn, không còn cách nào khác, Thúy xin vào làm phụ hồ, rồi công nhân xây dựng.
Chị Hậu chia sẻ thêm: "Những công ty xây dựng, họ chỉ tuyển người đủ tuổi lao động thôi. Bởi thế, ở đây hầu như không có trẻ em. Nhưng các chủ thầu nhỏ lẻ, họ vẫn thuê trẻ em làm việc. Chuyện những đứa bé 13 - 14 tuổi phải làm công việc của người lớn như: Xách vữa, bê gạch, sàng cát... là chuyện bình thường".
Nữ phụ hồ phải làm việc ở độ cao như thế này
Nghề của đàn ông
Đối với những nghề đòi hỏi phải có sức khỏe, người chủ rất ít khi thuê phụ nữ, nhất là nghề phụ hồ lại càng không phù hợp. Bởi vậy, để được nhận vào làm việc, phụ nữ phải chấp nhận thiệt thòi. Tiền công mỗi ngày không được trả như nam giới, thấp hơn ít nhất khoảng 20.000 đồng/ngày. "Tiền công không giống nhau, nhưng lượng công việc chúng tôi phải làm có kém gì đàn ông đâu. Cũng trộn vữa, bê gạch, khuân xi, uốn thép, đổ bê tông... Đàn ông họ làm được gì, chúng tôi cũng làm được việc đó. Hơn nữa, nhiều phụ hồ nữ còn chăm chỉ, biết việc hơn đàn ông" - chị Lành bộc bạch.
Chị Hậu cho biết: "Nghề này cũng bạc lắm. Quanh năm phơi mặt giữa giời, làm bạn với đống xi, sắt, gạch, ngói, nhiều khi nghĩ mình chẳng khác gì đàn ông. Những chị em mới vào nghề, chưa quen việc, nếu không cố thì sẽ không làm được, bị đuổi. Chịu khó một thời gian, mình thấy dẻo dai không kém nam giới. Cái nghề này, sức khỏe yếu, nên bỏ ngay từ đầu. Những người trụ lại, đều đã luyện cho mình thành "mình đồng da sắt" hết rồi".
Thời hiện đại, với sự trợ giúp của máy móc, con người đã phần nào bớt vất vả. Nhưng thực tế, như chị Lành tâm sự thì "bây giờ, người làm phụ hồ đã được máy móc trợ giúp nhiều, nhưng không phải việc gì máy móc cũng làm được". Đối với những công ty xây dựng được trang bị đầy đủ thiết bị thì người lao động đỡ vất vả, nhưng với chủ thầu nhỏ, phương tiện không có, người thợ vẫn dùng sức người là chính.
Trong hoàn cảnh làm việc vất vả như vậy, đa phần người thợ không được trang bị bất cứ thiết bị bảo hộ lao động nào. Những công ty xây dựng còn có thể cho nhân viên mình một chiếc mũ bảo hộ và một bộ đồng phục. Nhưng ở đây, các chị phụ hồ chỉ có chiếc nón lá để che mưa che nắng. Nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa và sẵn sàng cướp đi sinh mạng họ bất cứ lúc nào.
Đã vậy, các chị bận bịu hơn đàn ông, bởi phải thêm vai trò "anh nuôi". Sáng, các chị phải dậy sớm đi chợ, nấu cơm, rửa bát. Tối đến, thu dọn, rửa đồ đạc mà thợ bỏ lại trong khi tiền lương không tăng. Thế nhưng, họ vẫn âm thầm làm việc không phàn nàn. Họ nén lại những cực nhọc thành tiếng thở dài và sự im lặng. Nhìn hai người phụ nữ với khuôn mặt sạm nắng, đôi bàn tay chai sần đang bị xi măng ăn rỗ, chúng tôi phần nào hiểu được những nỗi cơ cực không thể nói thành lời của đời nữ phụ hồ.
(Còn nữa)
Phạm Thiệu