Phận nữ tiều phu mưu sinh trong giá rét

Phận nữ tiều phu mưu sinh trong giá rét

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Khi thời tiết lạnh kỷ lục tràn về, dù khuôn mặt có thể tím tái, nứt nẻ, nhưng những người phụ nữ dân tộc Tày ở Lạng Sơn vẫn len lỏi vào rừng kiếm củi về sưởi ấm, mưu sinh qua ngày.

Giữa những ngày rét đậm, trong sương muối lạnh giá, nhiều phụ nữ ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) vẫn mặc bộ quần áo cũ sờn, chân không đi dép vào rừng nhặt củi về sưởi ấm cho người và gia súc.

Leo núi giỏi, hai bàn chân phình to, những ngón tay thô ráp và sần sùi, đầu tóc luôn bù xù, khuôn mặt xạm đen lại vì mưa nắng là những đặc điểm mà hầu hết người phụ nữ dân tộc Tày nào nơi đây cũng có.

Nghề mẹ truyền con nối

Những người phụ nữ dân tộc Tày ở xã Bằng Khánh huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) lớn lên không ai là không biết lên rừng lấy củi. Đó là một trong những công việc chính mà họ được mẹ dạy từ khi mới lên 6 - 7 tuổi.

Người phụ nữ nơi đây không biết dệt vải nên ngoài việc đồng áng ra, vào rừng lấy củi chính là công việc chiếm nhiều thời gian của họ nhất trong năm. Với họ, củi là thứ "chất đốt" không thể thiếu trong đời sống thường ngày.

Người dân thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh không xa lạ với hình ảnh bà Hoàng Thị Sọt, đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào bà cũng lên rừng lấy củi giúp con cháu.

Bà Sọt tâm sự: "Tôi theo mẹ đi lấy củi từ năm 13 tuổi, đến nay đã được hơn 50 năm, tôi không còn nhớ đôi vai mình đã đặt lên bao nhiêu gánh củi, đi bộ bao nhiêu cây số nữa. Nhưng từng ngõ ngách của những khu rừng thuộc dãy núi Mẫu Sơn tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Lúc còn trẻ, tôi gánh được những bó củi to lắm, nhưng giờ già rồi chỉ lấy được một bó nhỏ về đun thôi vì lưng còng mất rồi!".

Tôi hỏi, từng này tuổi sao bà không nghỉ ở nhà mà vẫn vào rừng lấy củi? Bà Sọt vừa gom những cành củi xếp lại thành bó vừa nở nụ cười món mém cho biết: "Mình còn có sức giúp được cho con, cho cháu được ngày nào hay ngày đấy. Vả lại đi rừng quen rồi chứ ngồi nhà một chỗ buồn lắm, đi thế này ăn được cơm còn khỏe ra".

Trên đường vào thôn Bản Tẳng, chúng tôi bắt gặp em Hoàng Thị Mai, năm nay mới đang học lớp 7, hàng ngày một buổi đi học, buổi còn lại em vào rừng lấy củi. Đôi bàn tay nhỏ của Mai đang bám chặt từng cây gỗ để len được vào sâu trong rừng.

Khuôn mặt tím tái, nứt nẻ vì giá rét, trên người mặc chiếc áo len mỏng hở cổ, rét run cầm cập nhưng Mai vẫn cười nói: "Những ngày đầu gánh củi vai cháu đau và tím lại, nhưng giờ gánh quen rồi không còn đau nhiều nữa".

Pháp luật - Phận nữ tiều phu mưu sinh trong giá rét

Ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ những người phụ nữ ở xã Bằng Khánh đã vào rừng nhặt củi.

Theo chân Mai về nhà, chúng tôi mới phần nào hiểu được lý do vất vả mưu sinh trong giá rét của cô bé này. Bố mất khi em 2 tuổi, mẹ bị bệnh, dù mới học lớp 7 em đã là lao động chính trong nhà.

Hàng ngày ngoài việc học, Mai phải lên nương làm ruộng với diện tích chỉ đủ gieo 4 cân thóc giống. Khi thời tiết lạnh kỷ lục tràn về, học sinh được nghỉ học thì Mai vẫn phải đi rừng lấy củi về sưởi ấm. Mai bảo, ngày nào em cũng nhặt được cả gùi củi đầy. Có củi về nhà sưởi ấm cho mẹ và đun nước uống, em vui lắm.

"Nếu như ở các bản làng khác, những người phụ nữ nắm giữ bí quyết may, thêu thùa, hát, múa... họ sẽ truyền lại cho con gái bí mật của nghề đó, còn những nữ tiều phu bản Tày cũng truyền lại "bí kíp" riêng của nghề lấy củi cho con gái", Mai bật mí.

Hai cô bạn thường ngày hay đi nhặt củi cùng Mai là Xuân và Lại. Hàng ngày các em vẫn phải mạo hiểm vào rừng chặt củi mang về nhà. Đối với các em, việc gùi hàng chục kg củi trên lưng là chuyện bình thường bởi đây là công việc quen thuộc hàng ngày. Vì phải lo kiếm sống nên các em không thể chuyên tâm cho việc học. Xuân và Lại cho biết, kỳ học vừa rồi hai em chỉ đạt học sinh trung bình.

Chị Hoàng Thị Tần, một tiều phu khác kể: "Những người đi lấy củi mưu sinh cũng trải qua biết bao nhiêu chuyện buồn vui với công việc. Có hôm mờ sáng đi bộ cả chục cây số vào rừng chưa nhặt được cành củi nào thì trời mưa to đành phải quay trở về tay không.

Cướp giật thì chẳng có, thế nhưng, phận đàn bà đi lúc đêm hôm, mờ sáng nên cũng có chút ái ngại". Cũng như những người khác làm nghề lấy củi, chị luôn biết thận trọng để không làm ảnh hưởng cây rừng hoặc tự ý bẻ cành cây tươi.

Vậy nên có những hôm chị phải về không và cả ngày hôm đó đành chấp nhận cảnh túng tiền. Chị bảo, giờ chưa có băng tuyết nên cố gắng nhặt củi cho hết ngày, để lỡ những ngày cận kề tết, tiết trời lạnh giá còn có củi mà sưởi ấm...

Một năm 365 bó củi!

Mới hơn 5h sáng, trong tiết trời lạnh giá, những người phụ nữ ở xã Bằng Khánh đã gọi nhau í ới đi lấy củi. Họ đi từng tốp đeo trên vai chiếc gùi nhằm hướng rừng tối mịt đã định sẵn. Hầu hết, những nữ tiều phu dân tộc Tày ở Bằng Khánh đều già trước tuổi do công việc vất vả.

Chị Hoàng Thị Chu năm nay mới 27 tuổi nhưng nhìn như đã bước vào tuổi 40 hướng về phía tôi tâm sự: "Ngày nào cũng vào rừng gánh củi, tính ra một năm đủ 365 gánh. Vào năm nay nhà tôi tạm đủ ăn rồi không đem củi đi bán nữa mà chỉ để phục vụ sinh hoạt gia đình như nấu ăn, đun nước tắm, nấu nồi cám lợn thôi. Chứ mấy năm trước sáng nào cũng dậy từ khi trời còn chưa sáng thồ 2 gánh củi trên xe đạp đi gần 10km để bán, hôm nào bán được sớm thì về sớm lại vào rừng lấy củi tiếp. Mỗi thồ củi chỉ bán được từ 20 - 25.000 đồng thôi".

Chị Chu đưa chúng tôi len sâu vào rừng nơi có nhiều phụ nữ khác đang nhặt củi. Khi vào đến nơi có củi khô, cành cây gẫy rụng, mỗi người lại tản ra riêng để kiếm củi. Tiếng nói cười, tiếng chặt gom củi cóc cách, cóc cách... vang lên nghe vọng sâu cả một khu rừng.

Chỉ gần 2 tiếng đồng hồ, họ mỗi người đã được một gánh củi và bắt đầu tập trung lại cho vào gùi để mang về nhà. Những nữ tiều phu hàng ngày phải đi bộ từ 30 - 40km gánh những gánh củi trên vai nặng từ 35 - 50kg về nhà.

Cứ thế những người phụ nữ khật khưỡng bước đi, không biết có phải họ dùng hai vai để gánh củi từ đời này qua đời khác mà những nữ tiều phu dân tộc Tày ở xã Bằng Khánh cứ chìm đắm trong cái nghèo...

Người Tày ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình từ bao đời nay vẫn dùng củi để đun nấu. Vì thế những người phụ nữ ở đây sáng dậy đi vào rừng lấy củi đến trưa gánh củi về, chiều ăn cơm xong lại đi đến tối mịt mới về, đêm đến lại nghĩ xem ngày mai vào cánh rừng nào để nhặt củi.

Cuộc sống của những người phụ nữ ở đây cứ diễn ra như vậy từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác...

Họ chỉ biết rằng, củi rất quan trọng trong đời sống của người dân tộc Tày nơi đây. Nơi họ sống ngay dưới chân núi Mẫu Sơn hoang vu, nơi chỉ có gió lạnh và sương muối. Vậy nên củi để sưởi là nhu cầu sống còn.

Vì lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình nên dù vất vả, những người phụ nữ nơi đây vẫn bám lấy cái nghề lấy củi khô để sống. "Mưa vui, nắng buồn. Trời có mưa gió, bão bùng thì cành khô mới rụng nhiều. Mưa có ướt chút đỉnh nhưng củi lại nhặt nhanh đầy gùi" - chị Chu tâm sự về cái nghề nhặt củi khô của mình như thế.

Những người phụ nữ dân tộc Tày ở Bằng Khánh không biết lúc nào mới thoát khỏi "kiếp tiều phu" bởi theo lời các cụ bà cao niên trong bản: "Mùa đông năm nào cũng lạnh giá, nhiều năm còn có tuyết rơi. Lúc nào còn đun bằng củi, còn cần củi để sưởi ấm thì lúc đó người phụ nữ ở đây còn phải tiếp tục vào rừng kiếm củi mưu sinh".

Nguy hiểm rình rập

Trong giá rét, người dân xã Bằng Khánh vẫn vào rừng mưu sinh nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhiều người, trong lúc leo rừng kiếm củi đã trượt chân ngã, có người đi rừng trong sương mờ bị kiệt sức vì lạnh. Vậy nên, những người phụ nữ Tày vào rừng theo từng tốp, nhỡ ai gặp nguy hiểm gì thì có các chị em khác cứu giúp, đùm bọc.

Nhật Tân - Hoàng Lưu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.