Vướng mắc mới nhất được nhiều thẩm phán chỉ ra là nội dung quy định tại khoản 2 Điều 36 Quy chế và hướng dẫn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 35 ngày 29-1-2013 của viện trưởng VKSND Tối cao).
Theo đó, viện trưởng VKS ra quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án phạt tù đang bị giam, giữ trong trường hợp đã được tòa án xét xử và quyết định trả tự do; tuyên không phạm tội, được miễn trách nhiệm hình sự; miễn hình phạt, hình phạt không phải là tù giam, thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam.
Phán quyết của tòa phải chờ VKS phê chuẩn?
Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, quy định trên thể hiện sự lấn quyền của cơ quan kiểm sát. Bởi nếu thực hiện, cùng một trường hợp sẽ cần có hai quyết định trả tự do: một của tòa, một của viện trưởng VKS. Trong khi đó, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định của tòa trả tự do cho các bị cáo trong các trường hợp tuyên không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, hình phạt không phải là tù giam, thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam có hiệu lực pháp luật ngay. Đồng thời, VKS chỉ là cơ quan thực hiện chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của tòa chứ không phải là cơ quan thi hành pháp luật.
Theo vị thẩm phán này, quy định viện trưởng VKS ra quyết định trả tự do sau khi tòa đã ra phán quyết rồi là thừa và bất hợp lý: “Việc này chẳng khác nào phán quyết của tòa còn phải chờ VKS phê chuẩn”.
Khi tòa ra phán quyết trả tự do mà còn chờ viện trưởng VKS ra quyết định một lần nữa là thừa và bất hợp lý. Ảnh minh họa: HTD
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình: “Quy định trên trái tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự bởi can thiệp vào hoạt động của tòa, tạo sự chồng chéo về thẩm quyền với tòa, trái tinh thần luật định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo”.
Luật sư Nghiêm kể lại một vụ mà ông bào chữa cho một bị cáo phạm tội không tố giác tội phạm. Phiên tòa kéo dài đến 19 giờ mới kết thúc. Tòa tuyên trả tự do cho thân chủ của ông vì có mức án bằng với thời gian tạm giam. Sau đó, phía VKS và cảnh sát dẫn giải cứ một mực buộc đưa thân chủ của ông về trại giam để làm các thủ tục hành chính mới thả. Luật sư phải nhờ chủ tọa can thiệp, giải thích là quyết định trả tự do của tòa có hiệu lực ngay, bị cáo được về, các thủ tục hành chính còn lại thì VKS và công an có thể mời bị cáo quay lại vào những hôm sau để hoàn tất.
Kể lại trường hợp này, luật sư Nghiêm đặt vấn đề: “Nếu thực hiện theo Quy chế của VKSND Tối cao, sau khi tòa tuyên trả tự do rồi nhưng phía VKS vì lý do nào đó mà chần chừ, chậm ra quyết định thì người được trả tự do vẫn còn bị giam giữ. Lúc đó họ biết phải làm sao?”.
Làm khổ kiểm sát viên
Tháng 8-2012, VKSND Tối cao và TAND Tối cao đã ra hai thông tư liên tịch số 03 và 04 hướng dẫn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính và tố tụng dân sự. Trong hai thông tư này có nội dung quy định ý kiến phát biểu của kiểm sát viên phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp và phải được gửi cho tòa trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, phiên họp để lưu vào hồ sơ vụ án dân sự hay hành chính.
Một số kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao thắc mắc: Ý kiến phát biểu của kiểm sát viên đã được trình bày rõ trong phiên xử, đã được thư ký phiên tòa ghi lại. Tại sao còn bắt các kiểm sát viên phải gửi lại bằng văn bản có chữ ký trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ khi kết thúc phiên tòa?
Mặt khác, cả Bộ luật Tố tụng dân sự lẫn Luật Tố tụng hành chính đều không quy định thì tại sao các thông tư lại “vẽ” thêm việc cho kiểm sát viên khi không cần thiết? Chưa kể, một tháng mỗi kiểm sát viên đều phải tham gia rất nhiều vụ án. Việc bị “ép” thực hiện thêm văn bản mà luật không quy định sẽ làm mất thời gian của họ, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết những vụ án khác...
Cần điều chỉnh, sửa đổi Khi ban hành một thông tư liên tịch, quy chế hay văn bản hướng dẫn dưới luật thì cần phải có sự khách quan, đồng bộ và không được chồng chéo. Các cơ quan có thẩm quyền cần có sự tổng hợp, đánh giá qua thực tiễn khoa học, phải có sự phối hợp giữa các ngành liên quan, rút kinh nghiệm từ các hội nghị tổng kết, các hội thảo khoa học trước khi đưa ra áp dụng. Nếu không sẽ dễ dẫn đến tranh cãi, thiếu thống nhất, khó khả thi. Theo tôi, hai dẫn chứng về quy chế ngành kiểm sát cũng như hai thông tư liên tịch 03 và 04 nói trên đều cần được kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi lại cho phù hợp với pháp luật và thực tiễn. Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam |
Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)