Thông tin nói trên được phản ánh trên Zing.vn. Theo đó, trước động thái thu hồi và đổi trả các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo của nhiều nhà bán lẻ trong nước, ông Phạm Văn Tam đã có thông báo gửi các nhà phân phối và khách hàng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam phản đối chính sách đổi trả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo từ người tiêu dùng hoặc các kênh phân phối tại các địa điểm kinh doanh, trung tâm thương mại.
"Chúng tôi không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách này của khách hàng và đối tác, vì tất cả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo đã và đang được đưa ra thị trường bởi chúng tôi”, CEO của Asanzo khẳng định.
Asanzo cũng cho biết sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến thiệt hại trong quá trình các đối tác tự ý thực hiện chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm mang thương hiệu của công ty này.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho hay hàng điện tử gia dụng của Tập đoàn Asanzo được chứng nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” (HVNCLC). Asanzo quảng bá sử dụng “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam.
Trước nghi vấn này, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo cho biết, 70% linh kiện tivi của Asanzo được nhập từ Trung Quốc, 30% còn lại được nhập tại các công ty ở Việt Nam và việc này không có gì là mới.
Ngày 22/6, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì đơn vị này đã tiến hành “tước” danh hiệu HVNCLC của Tập đoàn Asanzo.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý Nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...
Liên quan đến lùm xùm nói trên, một số nhà bán lẻ trong nước đã có động thái ngừng bán các sản phẩm của Asanzo. Các nhà bán lẻ lớn như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim thậm chí còn có chính sách hỗ trợ đổi sản phẩm tivi Asanzo.
Vụ việc trên cũng làm lộ ra một lỗ hổng pháp lý về quy định hàng hoá xuất xứ tại Việt Nam.
Thông tin trên báo Pháp luật TPHCM, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam, chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như thế nào được gọi là “sản xuất tại Việt Nam”, “hàng hoá của Việt Nam”...
“Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn hàng hoá sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá của Việt Nam. Khi nào có dự thảo chính thức, Bộ sẽ công bố để lấy ý kiến người dân”, ông Hải nói.
Hoàng Yến (tổng hợp)