Theo Newsweek, hồi tháng 12, ông Trump ban đầu khiến các nhà quan sát và các nhân viên hết sức bất ngờ khi thông báo rút toàn bộ 2,000 lính Mỹ ở Syria về nước. Chi tiết về việc rút quân chưa được bàn đến tuy nhiên thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders tiết lộ hôm thứ Năm rằng “một nhóm khoảng 200 người giữ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sẽ vẫn ở Syria trong một thời gian”.
Nga cũng tham dự vào cuộc chiến chống IS ở Syria nhưng Moscow đứng về phía chính quyền Tổng thống Syria. Damascus coi sự hiện diện của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin hoài nghi về các tuyên bố mâu thuẫn từ Washington trong việc rút quân khỏi Syria. Về phần mình người phát ngôn Điện Kremlin cũng thể hiện sự bối rối trước động thái của Mỹ.
“Chúng tôi không hiểu động thái mới của Mỹ”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 23/2. “Đôi khi tôi nghe được những tuyên bố khác nhau từ những nguồn tin khác nhau vì thế chúng tôi đang xem xét mối quan tâm của Mỹ quanh vấn đề này và phân tích các tuyên bố đó”, nhà ngoại giao Nga cho hay.
Moscow lâu nay vẫn chỉ trích cách Washington tham dự vào chiến sự ở Syria khi tiến hành nhiều hoạt động để chống lại Tổng thống Syria Assad.
Năm 2013, khủng bố IS tràn khắp Syria. Năm 2014, Lầu Năm Góc thành lập liên minh quốc tế để tấn công IS và xây dựng lực lượng dân chủ Syria một năm sau đó ngay khi Nga hỗ trợ ông Assad.
Các chiến dịch này đã nhổ tận rễ IS. Ông Trump tuyên bố khủng bố đã bị đánh bại hồi tháng 12 năm ngoái nên Mỹ chấm dứt việc can dự ở nước ngoài tốn kém, đưa quân Mỹ về nước.
Sau tuyên bố của ông Trump, hãng tin Reuters đã trích dẫn lời một quan chức Mỹ khi nói rằng toàn bộ việc rút quân của Mỹ có thể diễn ra từ 60-100 ngày. Vài tuần sau đó, một quan chức bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định với Newsweek rằng việc rút trang thiết bị đã bắt đầu ở phía Đông Bắc Syria, gần biên giới Iraq.
Mỹ duy trì khoảng 200-300 quân ở khu vực giảm xung đột phía Nam quanh đơn vị đồn trú Al-Tanf ở Nam Syria, gần biên giới Jordan và Iraq. Tại đây, Mỹ hỗ trợ một nhóm phiến quân Maghawir al-Thawra và nỗ lực phá vỡ ảnh hưởng của đồng minh lớn của ông Assad, Iran.
Bên ngoài khu vực Al-Tanf diễn ra nhiều cuộc xung đột giữa liên quân Mỹ và lực lượng ủng hộ chính phủ. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng nước này sẽ ủng hộ các đồng minh trong khu vực để gây áp lực buộc Mỹ phải rời khỏi Al-Tanf. Trong khi đó, Israel, quốc gia thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào mục tiêu Iran ở Syria, đề nghĩ Mỹ ở lại đây.
Trong khi Nhà Trắng chưa đề cập đến việc duy trì quân Mỹ ở Syria sẽ đồng nghĩa với việc đặt căn cứ ở Al-Tanf, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tháng trước đã khẳng định rằng căn cứ này “vẫn rất quan trọng”.
Ngoài Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Mỹ nên rút quân khỏi Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay đã ủng hộ Nga và Iran trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria.
Xem thêm >> Lý do Nga cho tiêm kích “lượn lờ” quanh vùng Tây Bắc Syria