Reuters đưa tin, quân đội Myanmar đã nắm giữ quyền lực trong một cuộc đột kích sáng ngày 1/2. Theo người phát ngôn của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD), nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng các nhân vật cấp cao khác đã bị giam giữ.
Theo tuyên bố trên một đài truyền hình của quân đội, quân đội Myanmar nêu lý do tiến hành bắt giữ là để phản ứng trước cái gọi là "gian lận bầu cử", đồng thời chuyển giao quyền lực cho người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Người dân cho biết các binh sĩ đã chiếm đóng tòa thị chính ở Yangon, cùng với đó dữ liệu internet di động và dịch vụ điện thoại trong khu vực đã bị gián đoạn.
Vụ bắt giữ được thực hiện sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau bầu cử.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ bắt giữ bà Suu Kyi.
“Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các bước đi này không được đảo ngược”, phát ngôn viên Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Australia cho biết họ “quan ngại sâu sắc trước các báo cáo rằng quân đội Myanmar một lần nữa đang tìm cách giành quyền kiểm soát Myanmar” và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo bị bắt giữ.
Vào ngày 8/11/2020, tại Myanmar đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử thứ hai của đất nước kể từ năm 2011, kết thúc chế độ quân sự. Đảng cầm quyền NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử căng thẳng.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuyên bố có sự gian lận cử tri trên diện rộng, đồng thời yêu cầu Chính phủ hoãn việc triệu tập Quốc hội.
Ở thời điểm đó, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chính biến có thể xảy ra, quân đội nước này đã bác bỏ thông tin về khả năng tiến hành đảo chính, nói rằng “một số tổ chức và phương tiện truyền thông” đã đưa ra những đồn đoán không có cơ sở.