Mới đây, một người vợ trẻ có nickname P.L chia sẻ nỗi khổ khi phải sống chung với người chồng keo kiệt.
Theo đó, chị P.L phàn nàn chồng chi li từng đồng với vợ trong thời gian vợ ở cữ, hay đơn giản muốn mua đồ chơi cho con chồng cũng tiếc.
Xem video: Phải làm gì khi chồng keo kiệt với vợ con?
Câu chuyện của chị P.L đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng, với nhiều ý kiến khác nhau.
Nickname Thu Hoài bày tỏ: "Nghe mẹ P.L chia sẻ mà mình cảm thấy chồng mình vẫn còn thoáng trong khoản chi tiêu. Vợ con thích ăn gì, mua gì cũng đều đáp ứng".
Trái ngược với may mắn của chị Hoài, chị Đỗ Thị Ngọc Hoa (Hà Nội) bày tỏ: "Chồng mình cũng là người khá keo kiệt, rất ít khi đưa vợ con đi ăn hàng, đi chơi và du lịch xa nhà. Mỗi khi mình tỏ ý kiến chồng đều phản ứng: Làm gì có tiền".
Đồng ý kiến với chị Ngọc Hoa, chị Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ chị hiểu cảm giác của P.L. Bởi, chị cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế: “Tôi không biết mọi người thấy thế nào, nhưng tôi cảm thấy bí bách, buồn khi sống với một người chồng keo kiệt, không chỉ keo kiệt với vợ con mà còn với những người thân anh cũng chẳng bao giờ cho một đồng”.
Bên cạnh các ý kiến trên, nhiều chị em cũng đưa ra quan điểm xung quanh việc phải chung sống với một người đàn ông keo kiệt.
Chị Nam Phương cho biết: "Một người chồng keo kiệt không hẳn là xấu, vì họ cũng chỉ muốn tiết kiệm cho gia đình. Điều này, sẽ làm tôi an tâm hơn là anh ra ngoài với bạn bè sẽ không hoang phí. Rất may là chồng tôi không hề keo kiệt”.
Cũng chia sẻ thêm với PV, chị Quỳnh Trang (Hà Nội) ấm ức kể lại về tính keo kiệt của chồng: "Từ hồi còn yêu nhau, chồng tôi thể hiện là một người keo kiệt. Anh ấy chẳng bao giờ cho tôi đi ăn hàng quán đắt tiền, cái gì cũng tự mua về nấu. Lúc đầu, tôi thấy khó chịu, nhưng bố mẹ tôi thì bảo đàn ông biết tích cóp như vậy là tốt. Vậy là chúng tôi kết hôn, rồi cùng nhau vun vén gia đình.
Thế nhưng, cuộc sống vợ chồng khiến có những lúc tôi căng thẳng, muốn ly hôn bởi anh quá nguyên tắc. Anh bắt tôi dùng mỳ chính cũng phải tiết kiệm, chưa kể tiền điện tiền nước có tháng trời nóng mà dùng tăng lên cao quá là anh cũng kêu trời. Vì không chịu nổi tính chi li, keo kiệt đó, tôi cãi nhau với anh một trận, nói hết bức xúc của mình. Ban đầu, anh vẫn bày tỏ quan điểm, anh bảo "chúng mình ở quê lên nên phải tiết kiệm, anh tiết kiệm cũng vì lo cho cả nhà"... Nhưng, tôi gạt phắt, tôi nói tiết kiệm nhưng đừng thái quá rồi chìa cho anh lá đơn ly hôn để trên bàn.
Kể từ sau hôm cãi vã đó, chồng tôi cũng đã thay đổi phần nào, dù vẫn còn theo thói quen keo kiệt, không cho mua sắm, dùng đồ hoang phí. Nhưng, đã biết mua cho vợ món quà đắt tiền hơn một chút mỗi dịp lễ... Tôi thường xuyên tâm sự cùng anh về việc đàn ông không nên quá keo kiệt, đưa ra những ví dụ ở nơi tôi làm việc về việc đàn ông bủn xỉn sẽ ít người có thể chơi cùng được. Sau thời gian trò chuyện với chồng, anh cũng có thay đổi. Tôi nghiệm ra, chồng keo kiệt cũng có thể sửa được, miễn là người vợ phải góp ý một cách khéo léo".
Khi được hỏi chị em sẽ làm gì khi phải chung sống với người chồng keo kiệt? Nhiều chị em cũng có chung ý kiến: “Những người vợ nên tận dụng khoảng thời gian khi chồng vui vẻ để tâm sự, chia sẻ để chồng hiểu hơn. Từ đó, giúp chồng nhận ra tiết kiệm là cần thiết nhưng cần tiết kiệm hợp lý, đúng chỗ để giúp cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn”.
Ánh Nguyễn – Nhật Lệ