Chủ tịch chính quyền xứ Catalonia, Carles Puigdemont thông báo khu vực này đang hoàn tất quá trình tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, sau khi có 90% số phiếu ủng hộ rời trong cuộc trưng cầu ngày 1/10, bất chấp nỗ lực ngăn chặn từ Chính phủ Tây Ban Nha.
Ông Carles Puigdemont cho biết, trong vài ngày tới sẽ gửi kết quả của cuộc bỏ phiếu đến cơ quan Quốc hội của Catalonia , để tiến hành các thủ tục cần thiết.
Cuộc trưng cầu diễn ra hôm 1/10 đã chứng kiến cảnh tượng đụng độ không khoan nhượng giữa người đi bầu và cảnh sát.
Ước tính có khoảng 844 người bị thương khi cảnh sát chống bạo động đột kích vào các điểm bỏ phiếu nhằm ngăn chặn cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu.
Chính quyền Catalan đổ lỗi cho Madrid hành động bạo lực với dân chúng và kêu gọi Liên minh châu Âu có phản ứng phù hợp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tiếp tục lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp.
Tuyên bố từ chính quyền Carles Puigdemont cho biết, có 2,2 triệu phiếu đã được kiểm cho đến nay, trong đó khoảng 90% ủng hộ độc lập.
Cử tri đi bầu ở Catalonia được cho là sẽ còn cao hơn nếu không bị cảnh sát ngăn chặn.
Ước tính có khoảng 770.000 phiếu bầu thất lạc do tình trạng hỗn loạn xảy ra.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố độc lập của xứ Catalonia về mặt luật pháp sẽ không có hiệu lực do vi phạm Hiến pháp của Tây Ban Nha. Do đó, hành động đơn phương của chính quyền khu vực này có thể sẽ không nhận được ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, nó sẽ là một thách thức lịch sử đối với Tây Ban Nha, khi có thể nhấn chìm đất nước này trong cuộc khủng hoảng chính trị và Hiến pháp nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm qua.
Pablo Alvarez Guillen, Giáo sư Kinh tế học từ đại học Sydney nhận định, tình trạng bạo lực sẽ gây phản tác dụng khi dẫn đến sự ủng hộ nhiều hơn cho xứ Catalonia độc lập.
Trong khi báo chí và truyền thông cánh tả đang ủng hộ xứ Catalonia, những người ủng hộ cánh hữu của Chính phủ Tây Ban Nha đang đặt Madrid dưới rất nhiều áp lực.
Tuy nhiên, nội các của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy được cho là đã phản ứng bằng mọi cách có thể nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu.
Phản ứng quốc tế
Trước cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập ở Catalonia, các nước châu Âu đều đưa ra những phản ứng thận trọng.
Bộ Ngoại giao của Anh cho biết, cuộc trưng cầu là một vấn đề riêng của Chính phủ Tây Ban Nha và người dân. Đồng thời kêu gọi luật pháp và Hiến pháp Tây Ban Nha “cần được tôn trọng”.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh, bạo lực không phải giải pháp hiệu quả và kêu gọi đối thoại chính trị giữa các bên.
Trong khi đó, Thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon, người ủng hộ quốc gia này độc lập khỏi Liên hiệp Anh nói, mọi người nên có quyền bỏ phiếu một cách hòa bình.